Chiều 19-6, Công ty Cổ phần Cấp nước TP Đà Nẵng (DAWACO) phát đi báo cáo gửi UBND TP đồng thời có văn bản đề nghị Công ty CP Thủy điện Dak Mi 4, Công ty CP Thủy điện A Vương và Công ty Thủy điện Sông Bung về tình trạng nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn ở mức cao. Nếu tình trạng này tiếp tục khả năng thiếu hụt việc cấp nước sạch cho người dân là rất cao.
Theo đó, trong tuần đầu của tháng 6, độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ ở mức ổ định. Tuy nhiên, từ ngày 10 đến 18-6, độ mặn lại tăng cao, ở ngưỡng 1.000 mg/l.
Độ mặn cao nhất đo được lúc 11 giờ sáng 18-6 là 3.446 mg/l, thấp nhất là 895 mg/l (cao hơn độ mặn cho phép 250 mg/l). Với độ mặn này thì cửa thu nước sông Cầu Đỏ không thể hoạt động, trạm bơm An Trạch phải vận hành hết công suất để cấp nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Người dân cuối đường ống ở Đà Nẵng đi hứng nước sạch vào lúc nữa đêm. Ảnh: HẢI HIẾU
Theo ông Hồ Minh Nam, phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài và thành phố diễn ra nhiều sự kiện lễ hội sẽ khiến nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao, hơn 300.000 m3/ngày. Trong khi đó với độ mặn hiện tại, nếu chỉ lấy nước từ trạm bơm An Trạch để xử lý thì công suất cấp nước chỉ được từ 210.000 – 240.000 m3/ngày.
“Mặc dù các hồ thủy điện vận hành đúng quy trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng do triều cường lớn, mặn xâm nhập nặng gay gắt nên lượng nước này chỉ có thể làm giảm chứ không đủ để đẩy mặn”, ông Nam giải thích.
Không chỉ nguồn nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng, các dòng suối cấp nước thô cho Nhà máy nước Hải Vân, Sơn Trà cũng như suối Lương, suối Tình, suối Đà cạn kiệt. Buộc hai nhà máy này phải ngừng sản xuất gần 2 tháng nay.
Dự kiến, ngày 26-6, dự án nâng cấp thêm 60.000 m3 tại Nhà máy nước Cầu Đỏ nhằm tăng lượng nước sạch cấp cho thành phố sẽ tiến hành đấu nối. Tuy nhiên, nếu nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ thì việc nâng cấp này cũng không mang lại nhiều giá trị.
Trước tình hình trên, ông Nam cho biết phía DAWACO đã đề nghị đơn vị liên quan tham mưu cho UBND TP phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam để làm việc với các thủy điện vận hành theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và môi trường. Mục tiêu là ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở hạ du, đặc biệt là việc đảm bảo cấp nước cho Đà Nẵng.
Ông Nam đề nghị khách hàng tại khu vực nước yếu nên có biện pháp lấy nước, dự trữ từ vào khoảng 23 giờ 30 hàng ngày.