Tài xế ‘cố thủ’, BOT T2 liên tục xả trạm

Chiều 23-5, tại trạm BOT T2 đặt trên quốc lộ (QL) 91 (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), nhiều tài xế tiếp tục đưa xe vào các làn thu phí và “cố thủ”, không chịu mua vé để phản đối việc thu phí khiến trạm liên tục phải xả. Đa số tài xế cho rằng việc thu phí cũng như vị trí đặt trạm là bất hợp lý. Tình trạng này dẫn đến giao thông khu vực trạm bị ùn tắc và gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Tài xế trả 2.000 đồng

Khoảng 14 giờ ngày 23-5, xuất hiện một số tài xế điều khiển ô tô mang biển kiểm soát An Giang khi đến trạm thu phí BOT T2 không đồng ý mua vé và “cố thủ” tại làn thu phí ở cả hai chiều.

Các tài xế cho rằng họ chỉ sử dụng vài trăm mét đường của QL91 nhưng phải trả phí toàn tuyến là vô lý. Dừng xe tại làn thu phí hướng An Giang đi Cần Thơ, một tài xế xe tải cho biết anh đi tham quan cầu Vàm Cống chứ không đi qua QL91 hay đi Cần Thơ thì không lý do gì phải trả phí cho tuyến này.

Còn anh Thắng (kinh doanh quạt máy ở TP Long Xuyên, An Giang) cho biết anh đang đi giao quạt cho khách ở Lộ Tẻ, chỉ sử dụng khoảng 200 m đường nhưng bắt anh phải trả phí toàn tuyến dự án QL91 là không hợp lý. “Cửa hàng tôi có 3-4 chiếc xe, hằng ngày qua trạm 5-6 lần, tiền lời không có bao nhiêu nhưng phải trả số tiền lớn thì tôi không đồng ý. Đối với người dân An Giang thì tôi đề nghị miễn phí, còn không thì chia kilomet đi, đi bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Tôi đi 200 m thì tôi trả 2.000 đồng thôi” - anh Thắng nói.

Do các tài xế cho xe án ngữ tại tất cả làn thu phí ở cả hai chiều khiến giao thông khu vực trạm bị ùn tắc, buộc trạm BOT T2 phải xả trạm. Khi giao thông thông thoáng, BOT T2 thu phí trở lại và tiếp tục bị các tài xế phản ứng và lại xả trạm. Chỉ trong một giờ, BOT T2 đã phải xả trạm ba lần.

Đến 17 giờ, điệp khúc xả  -thu vẫn còn tiếp diễn. Do sự việc xảy ra vào giờ cao điểm nên tình hình giao thông vô cùng rối loạn và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống gần trạm.

Một số tài xế “cố thủ” khiến khu vực trạm T2 bị ùn tắc kéo dài. Ảnh: HẢI DƯƠNG

An Giang đề xuất thẻ 2.000 đồng

Sáng cùng ngày, tại trụ sở UBND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có cuộc họp với các sở GTVT TP Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại trạm thu phí T2.

Thông tin với báo chí sau cuộc họp, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, cho biết nội dung cuộc họp được yêu cầu giữ kín. Riêng đối với tỉnh An Giang, ông Trí đã đưa ra một số đề xuất để giải quyết vướng mắc của trạm T2.

“An Giang đề xuất những xe từ Kiên Giang hoặc từ cầu Vàm Cống về An Giang thì được phát cho một thẻ, tới trạm T2 sẽ trả thẻ đó và mua với vé 2.000 đồng để qua trạm, tương đương 200 m đường. Những xe từ hướng An Giang đi về Kiên Giang, qua cầu Vàm Cống thì phương án có thể là bán vé 2.000 đồng, còn đối với xe đi Cần Thơ thì xuống tới trạm T1 mua tiếp vé 33.000 đồng là đủ 35.000 đồng. Phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì bán đủ vé cho tài xế ở trạm T2 nhưng khi phương tiện vào QL80 về Kiên Giang hoặc về Vàm Cống thì phải trả lại 33.000 đồng” - ông Trí thông tin.

Ông Trí cũng cho rằng vấn đề bất hợp lý thu phí ở trạm T2 đã được đặt ra từ lâu. Phương án xử lý đã được thống nhất là miễn giảm nhưng chỉ phù hợp với tình hình trước đây. Còn nay cầu Vàm Cống đã thông xe nên phương án trên cần phải tính toán lại. Trước đây chỉ có xe từ An Giang và Kiên Giang qua trạm nhưng hiện nay xe tất cả tỉnh, thành đổ dồn về An Giang đều qua trạm này.

Cũng theo ông Trí, tất cả thành viên dự họp đều cho rằng phương án dời trạm T2 là không khả thi, tốn kém trong khi còn nhiều giải pháp hiệu quả khác.

“Chủ trì cuộc họp là Sở GTVT Cần Thơ cũng đề xuất Tổng cục Đường bộ nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo để xin hướng giải quyết trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời đề nghị Tổng cục cần có thông cáo báo chí rõ ràng để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp chứ không để tình trạng tại đây nóng lên một cách vô lý. Bởi việc thu phí ở trạm này là chuyện nhỏ, còn sự xáo trộn xã hội, bất ổn an ninh mới cần được chú trọng hơn” - ông Trí nhấn mạnh.

Việc di dời trạm T2 phải tính toán kỹ. Nó nằm trong lộ trình tổng thể các dự án BOT phải di dời chứ không riêng trạm T2 nên phải xử lý đồng bộ tất cả. Bộ đang cho tính toán lại lượng xe qua trạm T2 khi có cầu Vàm Cống như thế nào rồi mới tính tiếp. Tổng cục Đường bộ đang xem xét, đánh giá thực trạng trạm T2 thế nào, đến đầu tháng 6 mới có báo cáo. Trước phản ứng cục bộ của tài xế hiện nay, nếu xảy ra kẹt xe thì chủ đầu tư phải xả trạm và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Thứ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN NHẬT

G.TUỆ gh

Chủ đầu tư BOT T2 than lỗ

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty QL91 Cần Thơ - An Giang (chủ đầu tư), cho biết sẽ ủng hộ và tuân theo tiêu chí miễn giảm mà Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt.

Ông Khang thông tin Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất đưa người dân tỉnh Đồng Tháp vào danh sách miễn giảm phí qua trạm T2. “Trước đây, tỉnh Kiên Giang cách trạm T2 gần nhất 80 km thuộc tiêu chí giảm giá. Nay cầu Vàm Cống khánh thành thì phát sinh thêm tỉnh Đồng Tháp. Ngay tại cuộc họp, Tổng cục Đường bộ đã thống nhất đưa tỉnh Đồng Tháp vào diện miễn giảm. Tỉnh này sẽ rà soát lại phương tiện và có đề xuất cụ thể” - ông Khang thông tin.

Ông Khang nói thêm: Dự án có tổng đầu tư là 1.720 tỉ đồng, doanh thu hơn 10 tỉ đồng/tháng, trong khi lãi vay phải trả khoảng 10,5 tỉ đồng/tháng nên tính đến nay chủ đầu tư lỗ trên 100 tỉ đồng.

Đang xem xét giảm phí cho người dân Đồng Tháp

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trước đây cầu Vàm Cống chưa xây xong nên việc miễn, giảm phí cho khu vực này chưa được tiến hành. Tuy nhiên, giờ cầu đã thông xe nên xem xét miễn, giảm phí cho người dân trong bán kính 5-10 km là cần thiết. “Dự kiến chúng tôi sẽ hoàn thành công tác giảm phí vào tuần sau…” - vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ thông tin.

Đối với phương án di dời trạm T2, lãnh đạo Tổng cục khẳng định không thể. Vì nhà đầu tư mới tiến hành thu phí hoàn vốn cho dự án, số tiền còn lại rất lớn, Nhà nước không có tiền để mua lại trạm.

Về đề xuất làm thẻ tính theo kilomet quãng đường của An Giang, vị đại diện Tổng cục cho rằng trạm T2 áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt, bởi có nhiều đường nhánh), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (theo chiều dài quãng đường thực đi, hiện chỉ áp dụng cho đường cao tốc). “Hình thức thu phí hở cũng được triển khai trên cả nước đối với các dự án nâng cấp, mở rộng, vì vậy cần có sự thống nhất…” - vị lãnh đạo Tổng cục khẳng định.

VIẾT LONG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm