Các đảo quốc xa xôi ở Thái Bình Dương đang dần nằm trong "tầm ngắm” của các cường quốc trên thế giới nhằm cạnh tranh quyền lực với nhau. Bên cạnh cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ), thì Nhật, Ấn Độ cũng đang mở rộng ảnh hưởng ở đây.
Mỹ - Trung giằng co ảnh hưởng tại Thái Bình Dương
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng tăng nhiệt tại chuỗi đảo Thái Bình Dương qua việc hai bên đang nỗ lực đẩy mạnh sự hiện diện cả về chính trị - ngoại giao và an ninh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự Diễn đàn Hợp tác các đảo quốc Thái Bình Dương hôm 22-5. Ảnh: TWITTER |
Các đảo quốc ở Thái Bình Dương giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Vào năm ngoái, ông Biden tuyên bố: “Phần lớn lịch sử thế giới của chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những thập niên tới và các đảo quốc ở Thái Bình Dương là tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai đó".
Mới đây, vào hôm 22-5, Papua New Guinea và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận các sân bay và bến cảng tại quốc gia này. Động thái diễn ra trong bối cảnh Washington quan ngại về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thỏa thuận trên góp phần tăng cường quan hệ giữa Mỹ và Papua New Guinea, cải thiện năng lực phòng vệ cho quốc gia Thái Bình Dương này cũng như tăng cường ổn định và an ninh trong khu vực. Trong khi đó, Thủ tướng Papua New Guinea - ông James Marape cho biết thỏa thuận trên sẽ giúp đảm bảo an ninh kinh tế cũng như sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này trong thập niên tới.
Trước thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Papua New Guinea, Mỹ đã có những bước đi ngoại giao mạnh mẽ tại khu vực này. Vào đầu tháng này, Washington đã mở một đại sứ quán tại quốc đảo Tonga mà Mỹ mô tả là một biểu tượng cho sự tái sinh mối quan hệ nước cũng như nhấn mạnh sự cam kết của Mỹ đối với Tonga và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đài CNN.
Đại sứ quán mới ở Tonga là một trong hai đại sứ quán mà Mỹ mở tại khu vực Thái Bình Dương trong một năm qua, sau Quần đảo Solomon. Ngoài ra, Mỹ cũng đang có kế hoạch mở thêm các đại sứ quán ở Vanuatu và Kiribati, theo tờ South China Morning Post.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tại Nhà Trắng vào tháng 9-2022. Ảnh: Jonathan Ernst/REUTERS |
Nhà nghiên cứu Corey Bell thuộc Viện Quan hệ Úc - TQ (trường ĐH Công nghệ Sydney, Úc) nhận định việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, bao gồm khai trương đại sứ quán ở Tonga, là biểu tượng mạnh mẽ cho vị thế và tầm quan trọng của Washington đối với khu vực.
Chuyên gia này cũng cho biết động lực chính khiến Washington gia tăng hiện diện ở Thái Bình Dương là “cú sốc từ việc Quần đảo Solomon đã ký một hiệp ước an ninh với TQ vào năm ngoái".
Hồi tháng 4-2022, TQ và Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh, làm dấy lên lo ngại rằng quốc đảo này có thể trở thành căn cứ quân sự của TQ ở Nam Thái Bình Dương.
Trước những động thái của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân nói rằng Bắc Kinh không phản đối các hình thức trao đổi và hợp tác giữa các bên liên quan và các đảo quốc Thái Bình Dương, song cảnh báo các nước không nên biến Thái Bình Dương thành “đấu trường cạnh tranh địa chính trị".
Trong khi đó, TQ cũng đang tăng cường củng cố quan hệ với khu vực Thái Bình Dương. Vào tháng trước, đặc phái viên TQ về đối ngoại ở các quốc đảo Thái Bình Dương, ông Tiền Ba, đã đón tiếp một phái đoàn bao gồm các nhà lãnh đạo chính trị từ khu vực Thái Bình Dương. Ông cũng gặp các quan chức cấp cao của Papua New Guinea, Vanuatu và Samoa.
Nhật, Ấn Độ cũng tích cực tăng ảnh hưởng
Theo tờ East Asia Forum, từ năm 2019, Nhật đã tăng cường sự hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương thông qua hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hợp tác đa phương. Nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của TQ ở khu vực, Tokyo cũng đã nỗ lực gia tăng hiện diện và hợp tác với các đảo quốc.
Bên cạnh các chuyến công du của các quan chức cấp cao Nhật tới khu vực, Tokyo đã thành lập phái bộ ngoại giao ở Kiribati và New Caledonia vào đầu năm nay. Không chỉ can dự vào khu vực thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, Nhật cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đảo quốc Thái Bình Dương như tổ chức các cuộc tập trận trên biển với Tonga, Fiji, Quần đảo Solomon và Palau vào năm ngoái.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi Diễn đàn Hợp tác các đảo quốc Thái Bình Dương hôm 22-5. Ảnh: Adek Berry/AFP |
Trong Kế hoạch mới cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Tokyo nhấn mạnh Thái Bình Dương là một “khu vực chiến lược quan trọng nơi các tuyến đường biển nối Nhật và Úc cũng như các tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương qua Biển Đông đến Thái Bình Dương giao nhau".
Bên cạnh Nhật, Ấn Độ cũng đang nổi lên thành một đối tác tin cậy đối với khu vực Thái Bình Dương. Tham dự Diễn đàn Hợp tác các đảo quốc Thái Bình Dương hôm 22-5 tại Papua New Guinea, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố New Delhi sẽ là đối tác đáng tin cậy của các quốc đảo nhỏ trong bối cảnh nhiều thách thức do gián đoạn chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu.
Ông Rafiq Dossani, giám đốc Trung tâm RAND về Chính sách châu Á - Thái Bình Dương cho rằng sự quan tâm của Ấn Độ đối với khu vực bắt nguồn từ “cam kết ý thức hệ đối với Nam bán cầu và tham vọng trở thành cường quốc của Ấn Độ".
Giáo sư Harsh V Pant thuộc trường ĐH King’s College London lý giải trong bối cảnh khu vực Thái Bình Dương đang diễn ra "cuộc cạnh tranh chiến lược giữa TQ và Mỹ”, New Delhi muốn trở thành một quốc gia cung cấp giải pháp thay thế cho những đảo quốc, vốn không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh này.
Theo Giáo sư Pant, cách tiếp cận của Ấn Độ đối với khu vực thiên về phát triển hơn và nước này cũng đã cố gắng thể hiện tiếng nói của các nước đang phát triển tại các diễn đàn như G20 mà New Delhi đang giữ chức Chủ tịch luân phiên.