Thái Lan: Không chịu đo nồng độ cồn thì xét nghiệm máu hoặc nước tiểu

(PLO)- Cảnh sát Thái Lan có thể yêu cầu tài xế nghi say xỉn phải xét nghiệm máu hoặc nước tiểu nếu họ từ chối dùng máy đo nồng độ cồn trong hơi thở.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cảnh sát Thái Lan có thể yêu cầu các tài xế nghi lái xe sau khi uống rượu bia thực hiện xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để xác định nồng độ cồn trong máu, tờ Bangkok Post đưa tin hôm 22-9.

Các biện pháp xét nghiệm này được áp dụng với những tài xế từ chối sử dụng máy đo nồng độ cồn trong hơi thở - biện pháp kiểm tra các tài xế nghi say xỉn đã được áp dụng từ năm 1994 tới nay.

Quy định mới được ký ban hành ngày 3-9 và được công bố trên Công báo Hoàng gia (Royal Gazette) hôm 20-9.

Cảnh sát Thái Lan kiểm tra nồng độ cồn tài xế nghi say xỉn.jpeg
Cảnh sát Thái Lan kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở đối với một tài xế nghi say xỉn. Ảnh: NATIONTV

Các tài xế nếu đồng ý thực hiện xét nghiệm nước tiểu sẽ được hướng dẫn lấy mẫu, việc xét nghiệm sẽ được tiến hành tại bệnh viện gần nhất. Người được yêu cầu xét nghiệm máu sẽ được cảnh sát đưa trực tiếp tới cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm.

Quy định này nhấn mạnh khi áp dụng các biện pháp đo nồng độ cồn, cảnh sát vẫn phải đảm bảo không gây hại cho cơ thể và sức khoẻ của tài xế.

Trong trường hợp tài xế từ chối hợp tác mà không có lý do chính đáng, người đó sẽ bị coi là có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Theo luật pháp Thái Lan, người có nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 mg/ml máu (đối với người dưới 20 tuổi hoặc người có bằng lái xe tạm thời là 20 mg/ml máu) sẽ bị coi là lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Xét nghiệm nước tiểu áp dụng hệ số chuyển đổi 1,3, có nghĩa là mức giới hạn sẽ là 65 mg/ml nước tiểu (26 mg/ ml nước tiểu đối với người dưới 20 tuổi hoặc có bằng lái xe tạm thời).

Mục đích của quy định này là đảm bảo quy trình kiểm tra nồng độ cồn của tài xế phù hợp hơn với tình hình hiện tại, cũng như nâng cao tính hiệu quả của công tác thực thi Đạo luật Giao thông đường bộ nhằm nhằm ngăn chặn tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm