Thiên tai, thảm họa tăng, các nước nghèo nóng ruột chờ hỗ trợ

(PLO)- Các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu do thiếu tài chính, cơ sở hạ tầng, công nghệ và chuyên môn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết 2023 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 là 16,77 độ C, phá kỷ lục 16,48 độ C của năm 2019. Mức nhiệt được tính trên phạm vi toàn cầu, bao gồm những khu vực đang trong mùa đông ở nam bán cầu.

“Ba tháng mà chúng ta vừa trải qua là những tháng nóng nhất trong khoảng 120.000 năm qua. Nhìn vào lượng nhiệt trên bề mặt đại dương, có khả năng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận” - bà Samantha Burgess, phó giám đốc cơ quan giám sát khí hậu của EU, nói.

Một người giải nhiệt giữa nắng nóng ở Algeria hồi tháng 7. Ảnh : ALAMY
Một người giải nhiệt giữa nắng nóng ở Algeria hồi tháng 7. Ảnh : ALAMY

Nắng nóng và các hiện tượng khác do biến đổi khí hậu gây ra đã tạo áp lực lớn cho các nước, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, với việc hiện tượng El Niño quay trở lại, các nước cần chuẩn bị kỹ càng hơn để thích nghi và hạn chế những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Các nước đang phát triển gặp khó trong ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 6-9, bà Eleni Myrivili - giám đốc Cơ quan quản lý nhiệt độ toàn cầu của Liên Hợp Quốc - kêu gọi lãnh đạo các nước đưa ra cam kết chắc chắn tại hội nghị khí hậu COP28 vào tháng 11 tới, nhằm ngăn chặn nhiệt độ tăng nhanh, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

“Đây là một mùa hè thực sự tồi tệ đối với con người, hệ sinh thái, nông nghiệp và nền kinh tế. Vào tháng 7, chúng ta đã chứng kiến mức nhiệt khủng khiếp ở nhiều nơi” - bà Myrivili nói.

"Tôi thực sự hy vọng hội nghị COP lần này sẽ mang tính quyết định, tránh những cam kết chung chung và thực sự tiến nhanh về phía trước, nhằm ngăn chặn phát thải khí nhà kính và chấm dứt nạn phá rừng. Đây cũng là cơ hội để tìm cách tạo ra một nền nông nghiệp bền vững” - theo bà Myrivili.

Bà Myrivili nhấn mạnh việc tìm nguồn tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của bà Myrivili là dành cho các thành phố ở các nước đang phát triển - những nơi thiếu năng lực, chuyên môn, kinh phí để thực hiện các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, theo hãng tin Reuters.

“Đó là điều thực sự đáng sợ. Đó là điều tôi thực sự lo lắng. Có rất nhiều quốc gia còn nghèo đói và đó là nơi chịu tác động lớn nhất khi nhiệt độ tăng cao” - bà Myrivili cho hay.

Lũ lụt ở Malawi hồi tháng 3. Ảnh: AP
Lũ lụt ở Malawi hồi tháng 3. Ảnh: AP

Trong khi đó, việc vận động quỹ hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển vẫn còn nhiều trắc trở.

Tại hội nghị khí hậu COP27 vào năm 2022, các quốc gia đã đồng ý thành lập quỹ hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu cho các quốc gia đang phát triển (quỹ tổn thất và thiệt hại). Tuy nhiên, việc nước nào đóng góp vào quỹ và sẽ đóng góp bao nhiêu vẫn chưa được thống nhất.

Tuần rồi, tại một cuộc họp về khí hậu của Liên Hợp Quốc, một số quốc gia đang phát triển đề xuất quỹ hỗ trợ trên nên lập chương trình để huy động ít nhất 100 tỉ USD, từ nay đến năm 2030.

Theo Reuters, nếu được thông qua, đây sẽ là quỹ đầu tiên của Liên Hợp Quốc dành riêng để giải quyết những thiệt hại do hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng gây ra.

Bà Madeleine Diouf Sarr - chủ tịch nhóm 46 quốc gia kém phát triển nhất toàn cầu - ủng hộ đề xuất huy động ít nhất 100 tỉ USD nói trên. “Quỹ tổn thất và thiệt hại sẽ tháo gỡ những khó khăn trong nỗ lực phát triển của các nước” - bà Sarr nhận định.

Tuy nhiên, các quyết định tại COP28 cần có sự nhất trí của tất cả quốc gia tham dự hội nghị. Trong khi đó, đề xuất đóng góp cho quỹ hỗ trợ lại đang đi ngược quan điểm của một số quốc gia phát triển.

El Niño gây hại cho hệ sinh thái biển

Ngoài nắng nóng, hiện tượng El Niño cũng gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho các nước.

Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Nature hôm 6-9, các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng El Niño sẽ khiến các đợt nắng nóng trên biển thêm gay gắt. Điều này buộc các nhà bảo tồn, ngành thủy sản, du lịch phải đưa ra những biện pháp ứng phó sớm để bảo vệ hệ sinh thái và duy trì sinh kế cho người dân.

Theo các nhà khoa học, El Niño bắt nguồn từ Thái Bình Dương, làm tăng nhiệt độ trên toàn thế giới, gây hạn hán ở một số khu vực và làm tăng lượng mưa ở một số nơi khác. Trung và đông Thái Bình Dương, một phần phía tây nước Mỹ, Ecuador, Peru và Ấn Độ Dương là những nơi sẽ bị nắng nóng ảnh hưởng mạnh.

Dựa trên dữ liệu nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng nắng nóng khiến các rạn san hô và tảo ở những khu vực này dễ bị tổn thương, có thể dẫn đến chết hàng loạt.

Ecuador là một trong những nơi có khả năng bị El Niño ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh: AFP

Ecuador là một trong những nơi có khả năng bị El Niño ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh: AFP

Theo bài viết, các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu có thể tạo ra "trạng thái sóng nhiệt vĩnh viễn" trên biển, khiến một số khu vực trở nên quá nóng đến nổi sinh vật không thể sinh sống. Ngoài ra, sóng nhiệt cũng khiến sản lượng đánh bắt giảm xuống.

Các nhà khoa học cho rằng việc chuẩn bị các biện pháp sớm sẽ ngăn chặn hoặc giảm bớt hậu quả của các đợt nắng nóng, tạo ra thời gian quý báu để các loài, hệ sinh thái thích nghi với điều kiện thời tiết.

Ông Alistair Hobday - đồng tác giả bài viết - nhận định các hiện tượng cực đoan “cho thấy tương lai chúng ta dưới tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, việc nhiệt độ đại dương ở mức cao sẽ xảy ra hàng ngày”.

“Sự kết hợp giữa tình trạng nóng lên toàn cầu và các hiện tượng cực đoan sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các loài” - ông Hobday nói.

Các nhà khoa học cho rằng nhà chức trách nên thiết lập hệ thống cảnh báo để người dân có thể hành động kịp thời, đưa các loài cá đến vùng nước mát hơn, giảm mức đánh bắt hoặc đóng cửa hoàn toàn các khu vực đánh bắt cá.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đề nghị người dân tại các vùng biển nên thường xuyên theo dõi, quan sát môi trường, vì những người dân này có điều kiện thuận lợi để nhận thấy những thay đổi bất thường của môi trường biển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm