Vào ngày 19-10, kính thiên văn Pan-STARRS 1 ở Hawaii đã phát hiện ra một vật thể lạ bay ngang qua Mặt Trời và được cho là đến từ một Hệ Mặt Trời khác trong vũ trụ. Điều đặc biệt là vật thể này có hình thù khác lạ, vượt ra tầm hiểu biết của các nhà thiên văn học.
Thiên thể bí ẩn được đặt tên là 1I/2017 U1(’Oumuamua). Khi Oumuamua vừa được phát hiện qua một kính thiên văn, nó nhanh chóng trở thành tâm điểm của các nhà thiên văn học. Họ dùng nhiều kính thiên văn và liên tục quan sát Oumuamua liên tục trong ba đêm trước khi nó di chuyển ra khỏi tầm nhìn.
Ban đầu, các nhà thiên văn nghĩ rằng nó là sao chổi hoặc một hành tinh xuất phát từ Hệ Mặt Trời của chúng ta. Nhưng dựa trên quỹ đạo của nó, các nhà thiên văn nhận ra rằng vật thể đó đến từ không gian.
Thiên thể lạ có hình thù khác biệt so với những thiên thể trước đây thuộc Hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Karen Meech, thuộc Viện Thiên văn học ĐH Hawaii cho biết: "Những gì chúng tôi biết được là nó di chuyển rất nhanh và có kích thước rộng bằng một sân bóng đá”.
Tổng quan, vật thể này có hình như điếu xì gà, dài 400 m, có màu nâu đỏ. Màu sắc này tương tự như các vật thể tìm thấy trong vành đai Kuiper, thuộc ngoài Hệ Mặt Trời. Bên cạnh đó, quan sát qua kính viễn vọng cho thấy 'Oumuamua có nét tương đồng với một số sao chổi và tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Thomas Zurbuchen, quản trị viên liên kết của Cơ quan Giám sát Khoa học thuộc NASA, cho biết: "Trong nhiều thập niên, chúng tôi đã giả thuyết rằng có nhiều vật thể nằm giữa các vì sao và giờ đây lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng xác thực. Đây là một phát hiện lịch sử, mở ra một cánh cửa mới để nghiên cứu sự hình thành các Hệ Mặt Trời ngoài vũ trụ”.
Các nhà thiên văn đặt giả thiết có thể những thiên thể tương tự vẫn bay ngang Trái đất hằng năm nhưng vì chúng di chuyển với tốc độ rất nhanh nên chúng ta chưa có cơ hội nhìn thấy chúng.