“Quốc hội yêu cầu không được để xảy ra oan sai. Ở đâu để xảy ra oan sai thì ở đó phải chịu trách nhiệm và phải xử lý nghiêm”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghe báo cáo về kết quả giám sát tình hình oan sai sáng 10-4.
71 trường hợp oan
Theo dự thảo báo cáo của đoàn giám sát, trong kỳ giám sát (từ 1-10-2011 đến 30-9-2014) đã có 71 trường hợp cơ quan tố tụng làm oan người vô tội. Có một số địa phương tuy số lượng án không nhiều nhưng lại để xảy ra một số vụ làm oan nghiêm trọng như Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận, Bắc Giang.
“Tuy số lượng án oan không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, có vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận như vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam oan, vụ năm công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình dẫn đến chết người” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bức xúc: “Chúng ta cho thế nào là nhiều? Oan thì chỉ cần một vụ là rúng động xã hội rồi”. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói: “Tỉ lệ tuy nhỏ nhưng tác động lớn”.
“Còn oan, dù chỉ là một trường hợp, đều là nghiêm trọng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Ông Hùng phân tích án oan vừa vi phạm quyền con người, vừa làm méo công lý, gây bức xúc trong xã hội và tạo ra một xã hội không văn minh.
Đoàn giám sát oan sai của Quốc hội kiến nghị các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) trong năm 2015. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ hai từ trái qua) đã gặp TAND Tối cao để được hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường. Ảnh: CTV
Có hiện tượng bao che?
“Hầu hết trường hợp bị oan trong những năm gần đây khi được phát hiện đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời” - dự thảo báo cáo của đoàn giám sát nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn: “Đối với các vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử, bản thân nội bộ các ngành này đã có cố gắng gì để xử lý nghiêm vi phạm, ngăn ngừa vi phạm? Có hiện tượng bao che hay không?
Ông Lý chỉ rõ: “Một số vụ việc khi báo chí nêu lên thì lúc đầu các cơ quan tố tụng ở các địa phương thế nào cũng có cách “bào chữa”. Sau đó các cơ quan tố tụng cấp trên có ý kiến phải làm nghiêm thì lúc ấy mới làm nghiêm. Và lúc làm nghiêm thì hầu như kết quả ngược lại, lỗi là do những người thi hành công vụ chứ không phải các nguyên nhân khác” - ông Lý chỉ rõ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng bức xúc: “Với những địa phương có tỉ lệ oan sai cao thì các đồng chí lãnh đạo có tại vị không? Với những trường hợp đó thì phải cách chức. Nếu chúng ta làm cương quyết thì sẽ giảm được oan sai”.
Bức cung, nhục hình do nóng vội, bệnh thành tích...
Dự thảo báo cáo của đoàn giám sát cũng đánh giá các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi tạm giữ hoặc khi lấy lời khai mà đối tượng không nhận tội. Việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh bức cung, dùng nhục hình thường gặp khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín. Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới phát hiện.
“Nhìn chung, việc giải quyết tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân. Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra” - dự thảo báo cáo nhận xét.
Theo đoàn giám sát, nguyên nhân của hiện tượng mớm cung, dụ cung, bức cung, dùng nhục hình chủ yếu là do “tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích và nhất là do yếu kém về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ điều tra”...
Kiến nghị xử lý dứt điểm vụ Hồ Duy Hải Đoàn giám sát kiến nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao, cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý dứt điểm hai vụ dư luận quan tâm: Vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về tội giết người và tội cướp tài sản và vụ Vi Văn Phượng (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội giết người. Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội giết người và tội cướp tài sản. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình sau đó cho hay về vụ Hồ Duy Hải: Vụ này chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình. Sau khi Chủ tịch nước yêu cầu, liên ngành đã xem xét lại và xác định chưa thấy căn cứ để kháng nghị. “Chúng tôi sẽ họp lại một lần nữa để có kết luận cuối cùng. Nếu không có căn cứ kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn thì tới đây giải quyết thế nào? Theo quy định của pháp luật đến đây là hết rồi, không thể giải quyết gì khác” - ông Bình khẳng định. Bốn vụ vi phạm nghiêm trọng Theo đoàn giám sát, có bốn vụ án cử tri quan tâm là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội hiếp dâm trẻ em và giết người, vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội giết người và cướp tài sản, vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội giết người, vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án năm năm tù về tội mua bán phụ nữ. Các vụ án này chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng đã xác định có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và đều đang được điều tra lại. |