Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án “Hợp tác quốc gia thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam”, được khởi động từ tháng 2-2021 đến tháng 6-2022. Hội thảo có đại diện của Bộ TN&MT, Sở TN&MT Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow, nhà tài trợ dự án)… cùng các tổ chức phi chính phủ.
Theo đó, dự án đã ghi nhận những kết quả tích cực của mô hình kinh tế tuần hoàn trong công tác quản lý, xử lý rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn. Dự án bắt đầu thí điểm tại phường Hàng Đào, sau đó mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải nhựa giá trị thấp đã được nhân rộng ra 5 phường: Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Cửa Đông và Phúc Tân (quận Hoàn Kiến, Hà Nội).
Kết quả đã có 8.000 hộ dân của các phường tham gia phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn và 7.000 hộ dân trực tiếp tham gia phân loại rác tại nhà và được Công ty URENCO thu gom. Kết thúc dự án đã thu gom 16.150 kg (xấp xỉ 16 tấn) rác nhựa giá trị thấp.
Gạch lát được làm từ rác thải tái chế thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải. |
Tiếp đó, Vietcycle - đơn vị sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa đã vận chuyển toàn bộ hơn 16 tấn rác thải nhựa giá trị thấp và tái chế thành hạt nhựa, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì nhựa. Nghĩa là, rác thải nhựa giá trị thấp đã được phân loại và được “tái sinh”, quay trở lại đời sống với những hình hài có hữu ích mới.
“Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” là một trong những dự án đầu tiên áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn, được triển khai thí điểm tại Hà Nội. Cấu trúc của mô hình dự án bao gồm thực hành 3R dựa vào cộng đồng: Các loại rác thải nhựa có thể tái chế và rác nhựa giá trị thấp sẽ được phân loại ở hộ gia đình, được thu gom và tập kết về cơ sở thu mua phế liệu, sau đó rác thải nhựa giá trị thấp sẽ được vận chuyển đến công ty tái chế nhựa để sản xuất các sản phẩm tái chế (ví dụ như hạt nhựa, gạch, ngói sinh thái...).