Thượng viện Mỹ bác dự luật rút quân khỏi Niger

(PLO)- Thượng viện Mỹ bác dự luật yêu cầu Tổng thống Joe Biden rút quân Mỹ khỏi Niger, quốc gia hiện do chính quyền quân sự cai quản sau đảo chính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thượng viện Mỹ ngày 26-10 bác dự luật yêu cầu Tổng thống Joe Biden rút quân đội khỏi Niger, quốc gia Tây Phi hiện do nằm dưới sự cai quản của chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính hồi tháng 7.

Theo hãng tin Reuters, Thượng viện Mỹ đã bác dự luật nói trên với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống.

Một binh sĩ Niger hộ tống lính Mỹ trở về căn cứ của họ sau một hội nghị thượng đỉnh chống khủng bố ở thành phố Diffa, Niger hồi năm 2015. Ảnh: REUTERS

Một binh sĩ Niger hộ tống lính Mỹ trở về căn cứ của họ sau một hội nghị thượng đỉnh chống khủng bố ở thành phố Diffa, Niger hồi năm 2015. Ảnh: REUTERS

Mỹ đầu tháng này chính thức tuyên bố đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự ở Niger và chính thức đình chỉ khoản viện trợ trị giá khoảng 600 triệu USD cho nước này. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền ông Biden cho biết không có kế hoạch thay đổi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này.

Niger là đối tác trong cuộc chiến của Washington chống lại các tay súng Hồi giáo đã giết chết hàng nghìn người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa ở châu Phi. Hiện có khoảng 1.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đang ở Niger.

Trong thập niên qua, quân đội Mỹ đã huấn luyện lực lượng Niger về chống khủng bố và vận hành hai căn cứ quân sự, trong đó có một căn cứ thực hiện các phi vụ bằng máy bay không người lái chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và một chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong khu vực.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul, người bảo trợ dự luật, lập luận rằng quân đội đã được triển khai mà không có sự chấp thuận của Quốc hội và nói rằng người Mỹ nên tránh nguy cơ bị vướng vào làn đạn xung đột ở Niger.

“Với tình hình Trung Đông đang bùng phát giao tranh, việc có hơn 1.000 quân ở Niger có ý nghĩa gì? Việc đồn trú hơn 1.000 quân ở một quốc gia do chính quyền quân sự cai quản có ý nghĩa gì không?” – ông Paul phát biểu tại Thượng viện hôm 16-10.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng nếu người Mỹ rút lui có thể để lại một khoảng trống mà Nga hoặc lực lượng đánh thuê Wagner có thể lấp vào.

“Chúng ta không dành đủ sự quan tâm đến khu vực đó của thế giới. Chúng ta chắc chắn không muốn báo hiệu rằng chúng ta đang từ bỏ khu vực đó của thế giới” – ông Cardin nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu trên tại một sự kiện về châu Phi do báo Financial Times tổ chức ở London (Anh) ngày 17-10, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về châu Phi – ông Judd Devermont cho biết Mỹ sẽ tạo dựng mối quan hệ “căng thẳng nhưng thực tế” với chính quyền quân sự Niger sau khi thừa nhận cuộc đảo chính hồi tháng 7 ở này là việc đã rồi.

“Chúng tôi đang hợp tác với khu vực theo những cách phù hợp với luật pháp của mình để có thể tiếp tục đảm bảo rằng khu vực này được an toàn” – Financial Times dẫn lời ông Devermont, hiện giữ chức giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Ông Devermont cho biết mặc dù mọi việc ở Niger “không diễn ra như thường lệ” nhưng Mỹ không thể đơn giản rời bỏ Niger.

“Nếu chúng tôi rời Niger, đó không chỉ liên quan vấn đề an ninh của Niger. Nó còn liên quan những hậu quả đối với Ghana, Togo, Benin” – ông Devermont nói, đề cập các quốc gia ven biển tiếp giáp vùng Sahel (phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi) đang bị đe dọa bởi sự lây lan của các nhóm khủng bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm