Năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016-2020.
Mới đây, Sở TN&MT TP.HCM đã báo cáo về việc thực hiện chương trình giai đoạn sáu tháng đầu năm 2017 với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh: M.TÚ
Tích cực thực hiện nhiệm vụ
Về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, Sở đã tiến hành phổ biến, quán triệt chương trình hành động, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết từ cấp Sở đến UBND 24 quận huyện, các KCN, KCX cùng những đơn vị có liên quan. Song song đó là thu thập thông tin nhằm tạo hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường, phân công nhiệm vụ kết hợp với chế độ báo cáo kết quả thực hiện.
Về triển khai các chỉ tiêu cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Y tế, TP.HCM hiện có 114 bệnh viện, 196 phòng khám đa khoa tư nhân, 319 trạm y tế, 219 phòng khám bác sỹ gia đình, 5.663 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép hoạt động. Tổng lượng nước thải bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân là 17.750 m3/ngày. Tỷ lệ bệnh viện, phòng khám đa khoa có hệ thống xử lý nước thải là 100%. Theo báo cáo từ các quận huyện, nước thải y tế của cơ sở y tế tư nhân thu gom cùng nước thải sinh hoạt và được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại.
Cùng kết quả tích cực từ cơ quan y tế, tất cả nước thải từ cơ sở công nghiệp cũng được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; toàn bộ KCN, KCX, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát. Kết quả thực hiện sáu tháng đầu năm cho thấy tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị ước tính khoảng 1,75 triệu m3/ngày. Các chỉ tiêu về nguồn khí thải công nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường... cũng có những kết quả tích cực.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Để Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả cao không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm, chiến lược đúng đắn của ban lãnh đạo TP cùng các địa phương mà còn là sự chung tay của cả cộng đồng dân cư. Sự hiểu biết của người dân kết hợp với ý thức hành động vì môi trường sẽ góp phần để TP ngày càng đẹp hơn. Trong đó, vai trò của Sở TN&MT TP.HCM là rất quan trọng trong việc tuyên truyền đến từng cư dân thuộc nhiều đối tượng khác nhau.
Chỉ trong sáu tháng đầu năm, Sở đã tổ chức ba lớp tập huấn cho 550 học viên là đại diện Sở, ngành, UBMTTQ Việt Nam, đoàn thể cấp TP... Theo kế hoạch mỗi năm Sở tiến hành tập huấn cho tám quận với các nội dung về biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Đến 2019 sẽ hoàn thành tập huấn tại 24 quận huyện, từ đó các quận sẽ tiếp tục triển khai đến phường xã. Ngoài ra, Sở đã thực hiện bản tin về kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; xây dựng mô hình Góp xanh môi trường; hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường; triển lãm về bảo vệ môi trường... Được biết, UBND TP đã chấp thuận chủ trương hoạt động Quả cầu thời sự góp xanh môi trường tại công viên 23/9 nhằm tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Hiện TP có hơn 1,9 triệu hộ gia đình. Mặc dù chương trình tuyên truyền về BĐKH mới thực hiện đầu năm nay nhưng với nỗ lực của Sở, 100% hộ gia đình đều hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích nghi, sống chung với biến khí hậu.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong bảy Chương trình đột phá của TP thực hiện giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết để hoàn chỉnh các công việc thời gian tới, ông đề nghị lãnh đạo cấp quận, huyện cần mạnh dạn báo cáo các vấn đề vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện. Song song đó, các địa phương cần tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai nhiệm vụ.