Tiết lộ hồ sơ mật về chương trình nghe lén Chính phủ Anh của MI-5

Và dưới sự hậu thuẫn của Thủ tướng Gordon Brown, các quan chức chính phủ cũng cố tình ngăn chặn sự tiết lộ của báo chí.

Các hồ sơ tuyệt mật của Mật vụ Anh cho thấy các thiết bị nghe lén được lắp bí mật trong 3 khu vực nhạy cảm nhất của số 10 phố Downing - phòng Nội các, phòng Chờ và Văn phòng Thủ tướng. Điều đó có nghĩa là trong gần 15 năm, mọi cuộc họp bàn của Nội các chính phủ, mọi văn phòng của các quan chức cao cấp và mọi vị khách tiếp kiến thủ tướng Anh - trong đó gồm cả những lãnh đạo nước ngoài - đều bị nghe lén. Mọi chi tiết về chiến dịch theo dõi này cũng được tiết lộ trong cuốn sách "Vũ khí phòng thủ của Vương quốc", lịch sử chính thức về MI-5 của nhà sử học đáng kính của Đại học Cambridge là Giáo sư Christopher Andrew.

Tiết lộ hồ sơ mật về chương trình nghe lén Chính phủ Anh của MI-5 ảnh 1

Tổng giám đốc MI-5 Jonathan Evans

Hiện nay tờ Daily on Sunday tiết lộ những phần đã bị xóa đi trong cuốn sách của Giáo sư Christopher Andrew liên quan đến số thiết bị nghe lén được lắp đặt lần đầu tiên ở phố Downing, nơi tập trung các cơ quan Chính phủ Anh, vào tháng 7/1963 theo yêu cầu của Thủ tướng Harold Macmillan. Người ta vẫn chưa rõ tại sao Macmillan có yêu cầu này, mặc dù nó xảy đến trong 1 tháng sau khi Bộ trưởng Chiến tranh John Profumo từ chức sau khi thừa nhận có quan hệ với gái điếm Christine Keeler.

Vụ bê bối Profumo khiến người ta lo ngại về sự an toàn của các bí mật quân sự. Vụ bê bối làm suy yếu chính phủ Macmillan một cách trầm trọng và cuối cùng dẫn đến sự từ chức của thủ tướng (với lý do sức khỏe) vào tháng 10/1963.

Trong một giai đoạn, Macmillan lo sợ một nửa nội các của ông bị bại hoại vì vụ bê bối hay âm mưu chống lại ông. Macmillan cũng nghe chuyện về quan hệ lăng nhăng của các thẩm phán và giới quý tộc. Chính vợ của ông là Dorothy cũng có quan hệ kéo dài với nghị sĩ bảo thủ Robert Boothby. Người ta còn đồn Boothby là cha ruột của đứa con gái út của Macmillan. Mỹ tin rằng thông tin mật đã lọt vào tay người Nga do vụ bê bối Profumo và dưới sức ép của FBI và CIA, MI-5 buộc phải ngăn chặn sự rò rỉ các bí mật này.

Macmillan cảm thấy không còn tin tưởng bất cứ ai - nhưng lại quay sang hỏi ý kiến của Dick White, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6). Có thể MI-6 cho rằng việc lắp đặt các thiết bị nghe lén ở phố Downing là cần thiết về mặt an ninh. Qua sự lắp đặt thiết bị nghe lén ở các văn phòng của Nội các chính phủ, Macmillan sẽ có thể nghe lén được các bộ trưởng cũng như các quan chức cao cấp khác của ông. 

Sau sự từ chức của Macmillan, những thiết bị nghe lén được tháo dỡ ngay. Nhưng, theo các hồ sơ mật thì nhiều tháng sau, số thiết bị này được lắp trở lại theo lệnh của tân Thủ tướng Alec Douglas-Home. Người ta cũng không rõ lý do khiến Douglas-Home cho lắp đặt lại thiết bị nghe lén. Hồ sơ của MI-5 cũng không để lộ lý do tại sao Douglas-Home muốn nghe lén Nội các và các quan chức của ông, và cũng không hiểu tại sao ông cũng muốn đặt thiết bị nghe lén trong chính văn phòng của ông.

Tiết lộ hồ sơ mật về chương trình nghe lén Chính phủ Anh của MI-5 ảnh 2

 Harold Macmillan

Vào thời điểm đó Douglas-Home đang phải xử lý hậu quả của vụ bê bối Profumo và đối mặt với nhiều scandal hậu trường liên quan đến vấn đề các chính khách cao cấp bắt tay với tổ chức tội phạm và sự thú tội kín của Anthony Blunt, người giám định tranh của Nữ hoàng, rằng ông là điệp viên Xôviết. Những thiết bị nghe lén vẫn tiếp tục tồn tại trong suốt nhiệm kỳ của Douglas-Home và tiếp sang nhiệm kỳ của hai thủ tướng kế nhiệm ông là Harold Wilson và Edward Heath.

Nói chung, trang thiết bị giám sát những khu vực nhạy cảm nhất của phố Downing được duy trì trong khoảng thời gian 15 năm. Cuối cùng chúng được tháo dỡ theo lệnh của James Callaghan vào năm 1977, tức 1 năm sau khi ông nhậm chức. Hồ sơ mật cũng không cho biết hai thủ tướng Heath và Wilson có biết chuyện mình bị nghe lén ở số 10 phố Downing hay không.

Thật ra những hoạt động của Wilson cho thấy ông không hề được biết văn phòng của ông bị nghe lén. Nhưng dường như Wilson có bị ám ảnh về việc ông và các thủ tướng khác bị nghe lén. Giáo sư Andrew tin rằng, ám ảnh của Wilson là bằng chứng cho thấy sự "suy yếu về thể chất lẫn tinh thần" của ông. Về sau Wilson được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. Wilson đã thuê các công ty an ninh tư nhân rà soát văn phòng của ông để dò tìm các thiết bị nghe lén.

Giáo sư Andrew cũng nói Wilson nghi ngờ một lỗ trên tường của văn phòng Nội các đằng sau bức ảnh của William Gladstone có đặt máy nghe lén. Sau khi rút lui khỏi chính trường, Wilson có hợp tác viết một cuốn sách, trong đó ông nghi ngờ có một âm mưu của những sĩ quan tình báo cánh hữu muốn lật đổ ông. Về sau trong cuốn hồi ký bị cấm công bố "Spycatcher" của mình, cựu sĩ quan MI-5 Peter Wright đã ủng hộ tuyên bố của Wilson. Chính do đó mà Callaghan - người kế nhiệm Wilson - đã cho mở cuộc điều tra về sự cáo buộc này. Hồ sơ mật của MI-5 tiết lộ Thủ tướng Callaghan cuối cùng đã ra lệnh tháo gỡ toàn bộ các thiết bị nghe lén ra khỏi phố Downing.

Các bí mật mà Macmillan giữ kín bao gồm danh tính của "người đàn ông không đầu" trong những bức ảnh được tung ra trong cuộc ly hôn của nữ Công tước Argyll. Người đàn ông đó được cho là Bộ trưởng Thuộc địa Duncan Sandys (sau đó đề nghị từ chức).

Diên San tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm