Kết quả điều tra cho thấy, các xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt, mẫu nước ao và mẫu phân đều cho thấy kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả, có bốn mẫu phân dương tính với vi khuẩn E. Coli. Đây là vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường và nước sinh hoạt kém.
Theo Cục Y tế dự phòng, các hộ dân nơi xảy ra các trường hợp tiêu chảy đều sống trong khu vực có ao hồ tù đọng nước, sử dụng cầu tiêu trên ao cá và rác thải sinh hoạt được xả trực tiếp xuống hồ; sàn nhà ở của các hộ dân ẩm thấp tạo điều kiện cho các mầm bệnh lây lan và phát triển.
Từ đầu tháng 7 đến nay, tại xã Lê Minh Xuân đã ghi nhận chín trường hợp tiêu chảy với biểu hiện tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân lỏng màu vàng và có biểu hiện mất nước.
Đến nay, các trường hợp mắc bệnh mới chỉ khu trú ở một lô thuộc ấp 8 của xã Lê Minh Xuân. Viện Pasteur TP. HCM đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM để triển khai các biện pháp xử lý, không để lây lan và phát sinh bệnh nhân mới.
Từ đầu năm 2014 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp tiêu chảy tại các một số xã, phường và không phát sinh ổ dịch.
Cục Y tế dự phòng cho biết bệnh tiêu chảy thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra và xâm nhập qua đường tiêu hóa, bệnh dễ bùng phát lan rộng nhanh và đe dọa tính mạng con người. Thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Để chủ động phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ, không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ. Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn rau sống, không uống nước lã.