Ngày 23-7, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 21 (kỳ họp giữa năm) đánh giá kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2024.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ hai ĐBSCL
Theo báo cáo, sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,04%, đứng thứ hai ĐBSCL và xếp ở nhóm cao của cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với khu vực II, thu nhập bình quân đầu người đạt 87,44 triệu đồng; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá, tổng vốn huy động trên địa bàn và tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng so với cùng kỳ.
Cải cách hành chính được tập trung mạnh mẽ; công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở các ngành, lĩnh vực được tăng cường. Chỉ số Hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI), hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) đều tăng. Các cấp ủy, chính quyền và địa phương đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu.
Từ đó, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Qua đó, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và người dân trong tỉnh.
Tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành đề cương báo cáo chính trị nhiệm kỳ mới
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là kết quả từ những định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đúng đắn, sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp và sự đồng thuận của người dân trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho biết thời gian qua công tác tổ chức xây dựng đảng, hoạt động của hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, triển khai có trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đề án của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Kết quả bước đầu đã tạo bước chuyển biến thực chất về nhận thức, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công tác của cán bộ và cơ quan, đơn vị.
“Hậu Giang đã hoàn thành đồng bộ công cụ, nhiệm vụ đề mục xây dựng vị trí việc làm. Đó là: danh mục vị trí việc làm, bảng thống kê theo dõi nhật ký đánh giá công việc hàng ngày (còn gọi là bộ KPI), bảng mô tả vị trí công việc và khung năng lực cho các vị trí công việc. Với các nhiệm vụ theo quy định của Trung ương chậm nhất đến cuối năm 2025 phải hoàn thành thì đến cuối tháng 6-2024 Hậu Giang đã hoàn thành” - ông Nghiêm Xuân Thành thông tin thêm.
Cũng theo người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang, đến nay, công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đang được triển khai tích cực, các nội dung chuẩn bị rất khoa học, chất lượng. Hậu Giang cũng là một trong những tỉnh hoàn thành rất sớm đề cương báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2025-2030 và đã được Tỉnh ủy thông qua. Trong đó, đã lựa chọn kỹ các nội dung, chủ đề, chỉ tiêu phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược cho nhiệm kỳ tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong sáu tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại. Cụ thể, công tác khảo sát, đánh giá tính khả thi một số Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành còn chưa sâu, chưa toàn diện. Từ đó, dẫn đến một số Nghị quyết khi ban hành, triển khai vào thực tế còn phát sinh vướng mắc, nhất là Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án, nghị quyết hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Một vấn đề nữa là kinh tế của tỉnh Hậu Giang dù tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Đặc biệt, các dự án mới triển khai chậm; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể tăng cao. Ngoài ra, công tác tạo quỹ đất sạch cho các dự án khu công nghiệp còn hạn chế; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghiệp mặc dù được chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhưng vẫn chậm, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
“Chúng ta có tiềm năng, có cơ sở, có định hướng chiến lược, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra hết sức đúng đắn, nhưng công tác triển khai đâu đó vẫn còn là khâu yếu. Công tác hiện thực hóa các Nghị quyết của HĐND, tổ chức triển khai vào thực tế có nơi còn yếu. Việc khảo sát, đánh giá tính khả thi, còn có Nghị quyết khi ban hành tính khả thi chưa toàn diện, từ đó, đi vào thực tiễn còn chậm. Sự phối hợp giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chưa sâu sát, có những nội dung còn chưa quyết liệt” - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhận xét.
Từ thực tế đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu cải tiến tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh, chú trọng nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong giai đoạn mới. Đồng thời, tập trung vào các hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách địa phương, các hoạt động thẩm tra, giám sát, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng, có hiệu quả các Nghị quyết của tỉnh, Nghị quyết của HĐND.
Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến diễn ra trong hai ngày 23-7 và 24-7. Tại kỳ họp, HĐND sẽ xem xét, thảo luận 29 báo cáo và thông qua 20 dự thảo Nghị quyết liên quan các lĩnh vực như: đầu tư công, tài chính, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo...