Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 2-5

Tính đến 8 giờ 25 phút ngày 2-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 239.583 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.400.595 ca nhiễm.

Như vậy so với tối qua, số ca tử vong tăng 5.078 ca, số ca nhiễm tăng 74.590 ca.

Ngoài ra, thế giới ghi nhận 1.081.526 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.

WHO đề nghị các nước nới lỏng hạn chế từ từ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1-5 cảnh báo các quốc gia chỉ nên dần dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa và phải sẵn sàng khôi phục các hạn chế lập tức nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

"Những đối tượng dễ bị tổn thương tại các viện dưỡng lão, nhà tù và ký túc xá cho dân nhập cư phải được bảo vệ. Virus này đã lây lan tại các cơ sở dưỡng lão ở châu Âu, Bắc Mỹ và bùng phát tại nhiều khu ký túc xá cho dân lao động nhập cư ở Singapore. Chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể biến thành một đám cháy lớn và lây lan rất nhanh", Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO cảnh báo.

Theo ông Ryan, ngay cả khi virus đang được kiểm soát, các cộng đồng vẫn phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp vệ sinh và giữ khoảng cách an toàn.

"Tôi không muốn rằng chúng ta dỡ bỏ lệnh phong tỏa quá nhanh rồi sau đó dịch bệnh bùng phát trở lại và chúng ta lại phải làm lại từ đầu" - ông Ryan quan ngại.

Đại dịch có thể sẽ kéo dài thêm hai năm nữa

COVID-19 có khả năng sẽ tiếp tục lây lan trên toàn thế giới và kéo dài ít nhất 18 tháng đến hai năm nữa cho đến khi 60% đến 70% dân số bị nhiễm bệnh, theo một nghiên cứu vừa được công bố hôm 30-4.

Nhân viên y tế nhẹ lòng sau khi tất cả bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến ở Madrid, Tây Ban Nha khỏi bệnh. Ảnh: REUTERS

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota (Mỹ) (CIDRAP) chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 có thể sẽ bùng phát trở lại vào mùa thu và mùa đông này. CIDRAP cũng đề nghị Mỹ chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất kể trên có thể xảy ra.

"Dịch bệnh sẽ không dừng lại cho đến khi có khoảng 60%-70% dân số thế giới bị nhiễm bệnh", ông Mike Osterholm - lãnh đạo CIDRAP, người từng có 20 năm nghiên cứu và tư vấn cho tổng thống Mỹ về bệnh truyền nhiễm nói với đài CNN.

CIDRAP cũng cho biết đại dịch sẽ kéo dài thêm 18 đến 24 tháng đến lúc ngày càng nhiều người tự hình thành kháng thể chống lại virus gây dịch COVID-19. Nhóm lãnh đạo CIDRAP cho biết họ đã sử dụng các báo cáo, dữ liệu lịch sử về các đại dịch trong quá khứ và các báo cáo chi tiết về COVID-19 trước đây để đưa ra dự báo.

Trường học New York sẽ đóng cửa hết năm học

Tính đến sáng 5-2 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 1.131.030 ca nhiễm bệnh COVID-19, chiếm gần 1/3 số ca nhiễm trên toàn cầu. Quốc gia này cũng ghi nhận 65.753 ca tử vong vì dịch bệnh, cao nhất trên thế giới.

Thống đốc New York - ông Andrew Cuomo ngày 1-5 cho biết tất cả các trường học của tiểu bang sẽ đóng cửa đến hết năm học vì lo ngại dịch COVID-19, mặc dù số ca nhiễm và tử vong hàng ngày ở tiểu bang này đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng, theo hãng tin Reuters.

Sân trường Anderson PS 334 ở thành phố New York vắng lặng vì học sinh phải nghỉ học do đại dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Mệnh lệnh trên được thống đốc bang công bố tại một cuộc họp ngắn hàng ngày về COVID-19. Như vậy, toàn bộ hệ thống trường công lập ở thành phố New York, được biết là hệ thống trường học lớn nhất nước Mỹ với hơn một triệu học sinh sẽ phải đóng cửa đến hết năm học.

Ông Cuomo cho biết việc học sinh ăn trưa cùng nhau tại căn-tin trường cũng đã có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Những học sinh này sau đó có thể mang virus về nhà và lây lan ra cộng đồng. 

Thống đốc bang New York cho biết số ca tử vong ngày 30-4 chỉ tăng thêm 289 ca, là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ ngày 29-3. Số người nhiễm mới cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng. Tính đến sáng 5-2 (giờ Việt Nam), toàn bang New York ghi nhận 315.222 ca nhiễm bệnh COVID-19, trong đó có 24.069 ca tử vong.

Ở bang New Jersey học sinh được dạy học từ xa đến ngày 15-5. Thống đốc Phil Murphy hôm 1-5 nói với các phóng viên rằng vào đầu tuần tới ông sẽ đưa ra quyết định có cho phép học sinh quay trở lại trường học hay không. Ông cũng nhấn mạnh rằng dù gì đi nữa, ông cũng sẽ không rút ngắn khoảng thời gian 180 ngày của một niên học mà nhà nước đã quy định.

Ấn Độ gia hạn phong tỏa

Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm hai tuần nữa cho đến ngày 17-5, nhưng cũng đã ban hành miễn trừ cho một số lĩnh vực và hoạt động nhất định, đài CNN dẫn thông báo Bộ Nội vụ nước này cho biết.

Hầu hết các dịch vụ đi lại bằng đường hàng không, đường sắt, tàu điện ngầm và di chuyển đường bộ giữa các bang sẽ tiếp tục bị cấm. Các trường học, nhà hát, trung tâm thương mại và các địa điểm tôn giáo sẽ vẫn đóng cửa.

Bộ Nội vụ sẽ chỉ cho phép một số trường hợp đặc biệt được di chuyển bằng đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Chẳng hạn trong vài ngày qua, chính phủ đã sắp xếp phương tiện đi lại cho sinh viên, khách du lịch và công nhân nhập cư bị mắc kẹt quay về nhà.

Các nhân viên cảnh sát bang Punjab tuần tra tại một khu chợ rau quả ở Amritsar, Ấn Độ, vào ngày 1-5. Ảnh: AFP

Các khu vực màu xanh (những nơi trong ba tuần không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào) sẽ được chính phủ nới lỏng hầu hết các hạn chế. Tại các khu vực màu cam (được hiểu là khu vực có dịch bệnh nhưng không trầm trọng), các phương tiện cá nhân sẽ được di chuyển. Hai khu vực này sẽ được mở cửa lại các hoạt động công nghiệp liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, hoạt động xây dựng, hoạt động nông nghiệp và cửa hàng bán lẻ.

Riêng tại các khu vực đỏ (khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh) sẽ tiếp tục bị hạn chế di chuyển và chỉ có doanh nghiệp thiết yếu được hoạt động. Việc phân loại các vùng màu đỏ, cam sẽ được đánh giá sau mỗi tuần. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm