Tính đến 19 giờ 5 phút ngày 1-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 234.505 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.326.005 ca nhiễm.
Một nhà dưỡng lão tại Anh. Ảnh: EPA-EFE
Như vậy so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 728 ca, số ca nhiễm tăng 22.909 ca
Ngoài ra, thế giới ghi nhận 1.052.180 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (63.871), Ý (27.967), Anh (26.771), Tây Ban Nha (24.543), Pháp (24.376), Bỉ (7.703), Đức (6.623), Iran (6.091), Brazil (6.006), Hà Lan (4.795).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (1.095.304), Tây Ban Nha (239.639), Ý (205.463), Anh (171.253), Pháp (167.178), Đức (163.009), Thổ Nhĩ Kỳ (120.204), Nga (114.431), Iran (95.646), Brazil (87.187).
Đông Nam Á: Singapore vẫn xấu, Malaysia kiểm soát thành công
Tại Singapore, Bộ Y tế Singapore ngày 1-5 thông báo thêm 932 ca nhiễm, nâng tổng ca nhiễm tại đảo quốc sư tử lên 17.101.
Phần lớn các ca nhiễm mới là những người có giấy phép lao động sống trong các ký túc xá dành cho người lao động nước ngoài.
Hiện Singapore ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19.
Các nhân viên y tế tại ký túc xá Tampines dành cho lao động nước ngoài ở Singapore. Nơi này được tuyên bố là khu vực cách ly nhằm ngăn COVID-19 lây lan. Ảnh: CNA
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 30-4 cho hay nước này sẽ mở cửa kinh tế theo từng bước khi số ca nhiễm trong cộng đồng giảm.
Singapore bước vào tuần thứ tư của giai đoạn “ngắt mạch” nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Các biện pháp giữ khoảng cách an toàn đã được siết chặt và gói giải pháp “ngắt mạch” sẽ kéo dài thêm bốn tuần, tức sẽ kết thúc vào ngày 1-6.
Hầu hết những nơi làm việc và trường học đã đóng cửa. Trong thời gian này, mọi người chuyển sang hình thức làm việc và học tập tại nhà. Người dân không được phép ra khỏi nhà nếu không có hoạt động cần thiết như mua thực phẩm hay nhu yếu phẩm.
Tại Malaysia, tính đến ngày 1-5 nước này ghi nhận tổng cộng 6.071 bệnh nhân COVID-19, trong đó 103 người đã tử vong và 4.210 người đã được chữa khỏi.
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 1-5, Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo sẽ mở cửa gần như tất cả lĩnh vực kinh tế từ ngày 4-5 với sự tuân thủ quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) y tế nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, ông Muhyiddin giải thích rằng một số ngành công nghiệp và các hoạt động kinh doanh liên quan tới tụ tập đông người và khó thực thi giãn cách xã hội vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Những hoạt động kinh doanh này bao gồm: rạp chiếu phim, quán karaoke, trung tâm bấm huyệt, câu lạc bộ đêm, hội nghị, triển lãm.
Ngoài ra, các hoạt động thể thao liên quan tới tiếp xúc vật lý và tụ tập đông người như bóng đá, bơi lội ở những nơi công cộng sẽ tiếp tục bị cấm.
Bên cạnh đó, ông Muhyiddin cho hay kinh tế Malaysia đã thiệt hại 2,4 tỉ Ringgit (560 triệu USD) mỗi ngày kể từ khi lệnh kiểm soát di chuyển được triển khai. Ước tính tổng thiệt hại kinh tế của Malaysia là 63 tỉ Ringgit (hơn 14,6 tỉ USD), ông cho biết.
Dù vậy, ông Muhyiddin nhấn mạnh việc mọi người không ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện kiểm soát di chuyển đã mang đến những kết quả đáng khích lệ.
Lệnh kiểm soát di chuyển tại Malaysia có hiệu lực từ ngày 18-3. Ảnh: BERNAMA
Ông giải thích rằng điều này giúp tăng cường năng lực của Bộ Y tế trong điều trị các bệnh nhân COVID-19. Malaysia sẽ đủ nhân lực, giường bệnh tại các bệnh viện, các trung tâm cách ly, thuốc men, máy thở, thiết bị bảo hộ cá nhân và các phòng thí nghiệm xét nghiệm trong trường hợp tỉ lệ nhiễm trùng tăng trở lại.
Thủ tướng Malaysia cũng thừa nhận rằng trong những tháng tới, không quốc gia nào có thể đạt đến mức không có ca nhiễm mới. Do đó, Malaysia phải nâng cấp năng lực của hệ thống chăm sóc y tế công cộng nhằm “đối mặt với bất kỳ khả năng nào” - ông Muhyiddin nói.
“Mặc dù chúng tôi đã thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19 nhưng đừng chủ quan. Hãy cảnh giác. Thực hiện giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng và nhanh chóng gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào” - ông Muhyiddin nhấn mạnh.
Tại Indonesia, ngày 1-5, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 433 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 10.551. Ngoài ra, Indonesia còn ghi nhận thêm tám ca tử vong, nâng tổng số người chết do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 800. Có 1.591 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này.
Đến nay, Indonesia đã thực hiện hơn 76.500 lượt xét nghiệm COVID-19.
Tại Thái Lan, tính đến nay nước này xác nhận 2.960 ca nhiễm sau khi tăng thêm sáu ca. Thái Lan ngày 1-5 thông báo không có thêm ca tử vong. Số ca tử vong do COVID-19 tại Thái Lan hiện dừng ở con số 54.
Đây là ngày thứ năm liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức một con số. Sáu ca nhiễm mới nói trên đánh dấu ca nhiễm mới theo ngày tăng thấp nhất kể từ đầu tháng 3 tại Thái Lan.
Tại Philippines, nước này ngày 1-5 thông báo thêm 284 ca nhiễm và 11 ca tử vong, nâng tổng ca nhiễm tại đây lên 8.772 và tổng ca tử vong lên 579.
Tính đến nay, Philippines có 1.084 bệnh nhân được chữa khỏi sau khi tăng thêm 41 người.
Nga tăng kỷ lục ca nhiễm trong ngày kể từ đầu dịch
Nga ngày 1-5 thông báo thêm 7.933 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân tại đây lên 114.431. Đây là mức tăng ca nhiễm trong ngày cao nhất tại Nga kể từ đầu dịch.
Nga hiện ghi nhận 1.169 ca tử vong do COVID-19. Đến nay, 13.220 bệnh nhân đã hồi phục tại Nga.
WHO muốn cùng Trung Quốc tham gia điều tra nguồn gốc COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1-5 nói rằng tổ chức này hy vọng Trung Quốc sẽ mời họ tham gia điều tra về nguồn gốc động vật của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, theo hãng tin AFP.
"WHO sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế nếu được chính phủ Trung Quốc mời tham gia điều tra về nguồn gốc động vật (của virus SARS-CoV-2)" - ông Tarik Jasarevic - người phát ngôn của WHO, cho biết ngày 1-5.
Một khu chợ ở Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo ông Jasarevic, WHO biết rằng một số cuộc điều tra đang được tiến hành ở Trung Quốc "nhằm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dịch bệnh". Tuy nhiên, ông nói thêm "WHO hiện không tham gia các nghiên cứu ở Trung Quốc".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc hồi cuối tháng 1 và đã gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình để tìm hiểu thêm về cách phản ứng dịch của nước này.
Đến tháng 2, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đến Trung Quốc để điều tra tình hình, gồm các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Nigeria, Nga, Singapore và Mỹ.
Tuy nhiên, khi các cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 tăng tốc ở Trung Quốc, WHO đã không tham gia.
Ông Jasarevic cho biết các cuộc điều tra đang diễn ra được cho là xem xét các trường hợp người nhiễm có triệu chứng tại Vũ Hán và xung quanh nơi này hồi cuối năm 2019, lấy mẫu môi trường từ các chợ và trang trại tại những khu vực ghi nhận những ca bệnh đầu tiên cùng hồ sơ chi tiết về nguồn gốc và loại động vật hoang dã, động vật chăn nuôi được bày bán ở những chợ này.
Các nhà khoa học tin rằng virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ loài dơi, đã lây từ động vật sang người, xuất hiện tại một chợ bán động vật hoang dã ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy giả thuyết và những đồn đoán cho rằng virus có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Hôm 30-4, ông Trump còn tuyên bố có bằng chứng liên kết virus gây bệnh COVID-19 với một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, song ông không tiết lộ bằng chứng đó là gì.