Tính đến 19 giờ 30 tối 13-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 115.244 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 1.866.460 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.296 người, số ca nhiễm tăng 18.095 người. Hiện đại dịch lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 433.915 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 11.359 người so với sáng cùng ngày.
Một bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở Bệnh viện Brooklyn thuộc bang New York, Mỹ ngày 12-4. Ảnh: AFP
Nga: Kỷ lục hơn 2.500 ca nhiễm một ngày, siết chặt giãn cách xã hội ở Moscow
Tờ The Moscow Times dẫn nguồn các cơ quan y tế Nga ghi nhận nước này trong 24 giờ qua tăng đến 2.558 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân nước này lên 18.328 người. Đây là mức tăng chưa từng thấy từ khi dịch bệnh khởi phát ở Nga hồi tháng 1.
24 giờ qua Nga mất thêm 18 người vì COVID-19. Như vậy tính đến thời điểm này, 148 người đã qua đời vì COVID-19 tại Nga.
Thủ đô Moscow tiếp tục là vùng dịch lớn nhất Nga với 11.513 ca nhiễm và 82 trường hợp tử vong. Hiện Moscow cùng một số khu vực lân cận bị phong tỏa vô thời hạn cho đến khi tình hình dịch có tiến triển.
Chính quyền thủ đô cũng tuyên bố siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội và sẽ nghiêm trị bất kỳ trường hợp vi phạm nào. Tính đến ngày 11-4, ít nhất 1.358 đối tượng vi phạm lệnh phong tỏa đã bị lập biên bản, theo hãng tin TASS. Dữ liệu di động cũng cho thấy khoảng 3,5 triệu người dân Moscow đã rời nhà trong khoảng thời gian nhiều hơn sáu tiếng vào ngày 10-4.
Chính quyền Moscow dự kiến sẽ áp dụng hình thức giấy phép kỹ thuật số vào tuần này để kiểm soát việc di chuyển ra vào thành phố của người dân hiệu quả hơn.
Mỹ: Ông Trump có ý muốn sa thải cố vấn chống dịch hàng đầu?
Đến tối 13-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn các cơ quan y tế Mỹ ghi nhận nước này trong ngày tăng 133 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 560.433. 10 trường hợp tử vong mới cũng được công bố với tổng cộng 22.115 người đã thiệt mạng vì đại dịch đến nay.
Trong khi dịch ở Mỹ đang diễn tiến căng thẳng thì Tổng thống Donald Trump vừa có động thái khiến nhiều người nghĩ ông có thể có ý muốn sa thải một cố vấn chống dịch hàng đầu trong đội đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Mỹ.
Ông Trump đã chia sẻ một bài viết kêu gọi sa thải TS Anthony Fauci - Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm Quốc gia Mỹ và là chuyên gia hàng đầu cố vấn cho chiến lược chống dịch của Nhà Trắng.
Bài viết nói trên được thành viên đảng Cộng hòa là ông DeAnna Lorraine chấp bút. Trong bài, ông Lorraine chỉ trích TS Fauci đã trì hoãn các công tác chống dịch của Mỹ khi trấn an tổng thống hồi cuối tháng 2 rằng không nên lo ngại dịch COVID-19 vì dịch tác động sẽ không đáng kể, theo đài CNN.
Hiện vẫn chưa rõ liệu dòng chia sẻ của ông Trump có phải một lời đe dọa với chuyên gia về truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ hay không. Tuy nhiên, năm ngày trước đó, tổng thống Mỹ đã sa thải ông Glenn Fine - Tổng thanh tra đặc trách giám sát việc thực thi gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 2.000 tỉ USD do các sai phạm hành chính.
Theo yêu cầu của Mỹ, Hàn Quốc đang chuẩn bị bàn giao cho Mỹ 600.000 bộ xét nghiệm COVID-19. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được đưa lên máy bay vào tối 14-4 (giờ địa phương), theo hãng tin Reuters.
Sau khi lô đầu tiên bàn giao cho chính phủ Mỹ thì lô hàng thứ hai gồm 150.000 bộ xét nghiệm sẽ được tiếp tục chuyển qua Mỹ trong thời gian tới và sẽ thông qua một nhà phân phối địa phương.
Trước đó, các công ty Hàn Quốc đã chuyển các bộ xét nghiệm cho nhiều thành phố của Mỹ, trong đó có Los Angeles nhưng đây là lần đầu tiên các thiết bị này được giao trực tiếp cho chính quyền liên bang.
Trung Quốc bất ngờ tăng vọt ca nhiễm mới
Đến tối 13-4, trang thống kê Worldometer cho biết Trung Quốc đại lục trong 24 giờ qua tăng đột ngột 108 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 82.000 người. Đây là mức tăng cao kỷ lục, vượt mốc 100 người trong năm tuần qua ở Trung Quốc. Đáng chú ý, 98 trường hợp trong số này đều là người từ nước ngoài về.
Đại lục cũng có thêm hai người chết trong 24 giờ qua. Tính đến thời điểm này Trung Quốc đại lục đã có hơn 3.300 ca tử vong.
Bắc Kinh từ ngày 28-3 đã cấm người nước ngoài nhập cảnh. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post cho biết du khách nhập cảnh qua biên giới với Nga đang lan truyền virus tại thành phố biên giới Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc.
Dù số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm mạnh so với hồi tháng 2, Trung Quốc vẫn đang lo ngại các ca nhiễm ngoại nhập có thể kích hoạt đợt bùng phát dịch thứ hai và đẩy nước này trở lại tình trạng gần như tê liệt.
Giới chức tỉnh Hắc Long Giang khẳng định đang triển khai tuần tra 24/24 giờ khu vực biên giới giữa tỉnh này và Nga. Nga-Trung tuần trước đã đồng ý rằng hai bên đóng cửa cảng sông Suifen ở biên giới hai bên - cảng này là điểm kiểm soát chính đối với hoạt động quá cảnh trên bộ, theo hãng tin Bloomberg.