Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 19 giờ ngày 24-3, tổng số ca tử vong toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 16.869. Tổng số ca nhiễm là 378.927. Có 97.679 ca được chữa khỏi.
Trung Quốc ghi nhận 81.171 ca nhiễm, trong đó có 3.277 ca tử vong.
SCMP cập nhật số liệu về tình hình đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục hiện lên đến 13.592. Trong đó, Ý cao nhất với 6.077 ca, Tây Ban Nha xếp thứ hai với 2.696 ca, Iran xếp thứ ba với 1.934 ca.
Lào ghi nhận hai ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Lào ngày 24-3 thông báo nước ngày co hai ca dương tính với COVID-19 đầu tiên. Hai bệnh nhân này gồm một nam nhân viên khách sạn 28 tuổi và một nữ hướng dẫn viên du lịch 36 tuổi và cả hai đều ở thủ đô Vientiane.
Hai người từng ra nước ngoài và làm việc với người ngoại quốc. Họ hiện được điều trị tại bệnh viện.
Thái Lan tuyên bố trình trạng khẩn cấp
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 24-3, tuyên bố nước này sẽ kích hoạt tình trạng khẩn cấp trong một tháng kể từ ngày 26-3 để đối phó dịch COVID-19.
Khử trùng chợ Chatuchak ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: AFP
Sắc lệnh khẩn cấp này được kích hoạt đồng nghĩa với việc Thủ tướng sẽ có quyền hành pháp và tuyên bố các biện pháp quyết liệt tiếp theo ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm cả việc trao thêm quyền hạn cho giới chức và cho phép thiết lập các trạm kiểm soát hạn chế di chuyển của người dân, ông Prayut nói.
Ông cho biết chi tiết của những biện pháp này sẽ được thông báo sau.
Thái Lan ngày 24-3 ghi nhận thêm ba ca tử vong và 106 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt là 4 và 827.
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm lớn nhất trong một ngày
Bộ Y tế Indonesia ngày 24-3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 107 ca nhiễm mới - số ca nhiễm nhiều nhất trong một ngày, nâng tổng số ca COVID-19 tại nước này lên 686 ca.
Indonesia cũng ghi nhận thêm bảy người chết trong ngày 24-3, nâng tổng ca tử vong vì COVID-19 lên 55. Có 33 người đã hồi phục.
Tây Ban Nha: Sân trượt băng được cải tạo thành nhà xác tạm thời
Thi thể của các nạn nhân COVID-19 đang được chuyển tới một sân trượt băng đang được trưng dụng làm nhà xác tạm thời ở Madrid.
Các thành viên của Đơn vị khẩn cấp quân sự Tây Ban Nha làm việc tại trung tâm thương mại Palacio de Hielo ở Madrid, nơi có một sân trượt băng được trưng dụng làm nhà xác cho các nạn nhân COVID-19. Ảnh: GETTY
Chính quyền khu vực Madrid thông báo rằng sân trượt băng Palacio de Hielo hay Ice Palace, bên trong trung tâm thương mại ở thủ đô Madrid đang được trưng dụng làm nhà xác. Đơn vị quân sự khẩn cấp Tây Ban Nha (UME) đã bắt đầu đưa các thi thể tới đây.
“Đây là biện pháp tạm thời và đặc biệt nhằm làm vơi bớt nỗi đâu của gia đình các nạn nhân và tình hình đang được ghi nhận tại các bệnh viện ở Madrid”, chính quyền Madrid cho hay.
Hôm 23-3, dịch vụ tang lễ của chính quyền TP Madrid thông báo họ sẽ ngừng nhận thi thể của những ai chết vì COVID-19 bởi họ không có đủ vật liệu bảo vệ.
Họ cho biết các dịch vụ khác sẽ tiếp tục như bình thường và dịch vụ tang lễ vẫn sẽ tổ chức hỏa táng và chôn cất các nạn nhân COVID-19 sau khi được các doanh nghiệp dịch vụ tang lễ khác đưa tới trong các cỗ quan tài.
Tây Ban Nha - một trong những nước có dịch nghiêm trọng nhất tại châu Âu hiện ghi nhận 35.212 ca nhiễm và 2.316 ca tử vong, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins.
Hôm 22-3, Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo ông sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp tại Tây Ban Nha thêm 15 ngày nữa khi số ca tử vong vì COVID-19 tăng vọt.
43% dân số Mỹ đã được yêu cầu không ra khỏi nhà
Ít nhất 16 bang của Mỹ đã ban hành yêu cầu người dân không ra khỏi nhà. Một khi yêu cầu này có hiệu lực thì 142 triệu người, tức 43% dân số Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, theo CNN.
Trung tâm chăm sóc đời sống ở Kirkland, Washington. Ảnh: AP
Hiện Mỹ có 42.600 ca nhiễm, trong đó ít nhất 540 người đã tử vong do COVID-19 với việc Hawaii ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên.
Bệnh nhân COVID-19 dễ lây nhất trong bảy ngày đầu tiên
Theo kênh Channel News Asia, TS Wong Chen Seong - tham vấn viên tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore cho biết tuần đầu tiên là mức độ lây nhiễm virus cao nhất trong các dịch tiết hô hấp của người nhiễm bệnh.
Điều này có nghĩa là dịch tiết từ mũi và miệng được tạo ra khi ho, nói chuyện hoặc hắt hơi, TS Wong nói.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dưới kính hiển vi. Ảnh: AFP
Sau đó, mức độ lây nhiễm giảm dần vào tuần thứ hai. Điều này cho thấy các bệnh nhân dễ lây nhiễm nhất là ở tuần đầu tiên sau khi phát triển triệu chứng, ông nói thêm.
Đây là lý do thông điệp của các chính phủ luôn là nếu bạn có bất kỳ triệu chứng này hãy tìm tới trung tâm y tế, TS Wong nhắc lại.
“Nếu bạn được thông báo không ra khỏi nhà thì hãy ở nhà. Tránh tiếp xúc với mọi người nếu không cần thiết”, chuyên gia Wong nói.
Ý: Số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn gấp 10 lần
Ông Angelo Borrelli, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ dân sự Ý trả lời phỏng vấn nhật báo La Repubblica ngày 24-3, nói rằng Ý có thể có số ca nhiễm COVID-19 cao hơn gấp 10 lần so với con số được báo cáo chính thức.
Theo ước tính của ông Borrelli, điều này có nghĩa là Ý sẽ có thể lên tới 640.000 ca nhiễm COVID-19. Tính đến hết ngày 23-3, Ý ghi nhận 63.967 ca nhiễm COVID-19.
Ông Borrelli khẳng định con số báo cáo chính thức mới chỉ ghi nhận những trường hợp tìm kiếm sự chăm sóc y tế tại bệnh viện, ngoài ra vẫn còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện và báo cáo.
Ông nhấn mạnh khó khăn lớn nhất đối với Ý hiện nay là sự thiếu hụt trầm trọng khẩu trang và máy thở khiến hệ thống y tế nước này gần như “bất lực” trước sự bùng phát của đại dịch.