Tính đến 19 giờ 30 tối 29-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 218.770 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.154.259 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.176 người, số ca nhiễm tăng 20.465 người. Hiện đại dịch lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 965.316 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 13.833 người so với sáng cùng ngày.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thủ đô Brussels, Bỉ ngày 26-4. Ảnh: AFP
Bỉ kêu gọi giải cứu khoai tây giữa dịch COVID-19
Theo trang thống kê Worldometer, Bỉ trong ngày 29-4 ghi nhận thêm 525 người nhiễm COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân ở nước này lên 47.859. Số ca tử vong cũng tăng 170, lên 7.501.
Tuần trước, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilme cho biết sắp tới sẽ tiến hành dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo ba giai đoạn. Một số doanh nghiệp sẽ được mở cửa lại từ ngày 4-5 nhưng các quán cà phê và nhà hàng có thể phải đợi đến ngày 8-6.
Một diễn biến đáng chú ý, người dân Bỉ mới đây đã được kêu gọi tăng tiêu thụ khoai tây để giúp giải quyết khoảng 750.000 tấn loại thực phẩm này đang có nguy cơ bị đổ bỏ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cụ thể, đài CNBC dẫn lời ông Romain Cools, đại diện Hiệp hội Công nghiệp chế biến khoai tây Bỉ, cho biết nhu cầu khoai tây đông lạnh - chiếm khoảng 75% số lượng nói trên đã giảm trong thời gian qua. Do đó, vị này đề xuất người dân nên ăn thêm khoai tây chiên với tần suất hai bữa mỗi tuần.
Ông Romain Cools cũng chia sẻ 25% còn lại, bao gồm khoai tây tươi và các loại bánh ăn vặt từ khoai tây, vẫn bán khá chạy do nhu cầu nấu ăn tại gia gia tăng.
Mỹ công bố công nghệ dùng tia cực tím tiêu diệt COVID-19
Hãng tin AFP ngày 29-4 khẳng định Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) vừa đạt được tiến triển khả quan trong nghiên cứu ứng dụng tia cực tím để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Theo đó, công nghệ tia cực tím trong nghiên cứu đã mô phỏng ánh sáng tự nhiên của mặt trời.
Lý do của sự ra đời công nghệ này, theo lời một quan chức DHS, là vì thực tế khi được đặt trên các bề mặt nhẵn không thấm và dưới ánh nắng mặt trời với nhiệt độ 21-24 độ C, độ ẩm 80%, virus gây dịch COVID-19 đã giảm gần một nửa.
Trong khi đó, lượng virus bay trong không khí cũng giảm một nửa sau hơn 1 phút ở nhiệt độ phòng và độ ẩm 20% có ánh nắng mặt trời.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phóng xạ thuộc ĐH Columbia (Mỹ) - ông David Brenner, các kết quả trên thật sự rất đáng lưu ý, do lâu nay giới chuyên gia đều cho rằng tia cực tím rất có hại khi làm da người đen và đẩy nhanh quá trình lão hóa. AFP cho biết DHS vẫn đang đợi báo cáo cuối cùng về kết quả nghiên cứu.
Tính đến tối 29-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer ghi nhận Mỹ hiện có 1.035.765 ca nhiễm COVID-19, tăng 25.409 trường hợp trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tăng 2.470 người, lên 59.266.
Nhật cân nhắc lùi thời gian khai giảng năm học mới
Phát biểu trong phiên làm việc với Quốc hội ngày 29-4, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết chính phủ đang thảo luận có nên lùi thời gian khai giảng năm học mới đến tháng 9, thay vì tháng 4 như dự kiến, trước diễn biến khó lường của tình hình COVID-19, theo hãng tin Kyodo News.
Ông Abe chia sẻ ông hiểu rất rõ quyết định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nói chung cùng hàng loạt sự kiện khác trong năm, do đó sẽ suy tính rất thận trọng.
Về phía Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda, ông bày tỏ sự đồng ý với ý kiến của ông Abe, nhấn mạnh sẽ chỉ cân nhắc triển khai nếu được đông đảo người dân ủng hộ.
Tính đến tối 29-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer ghi nhận Nhật hiện có 13.736 ca nhiễm COVID-19, tăng 122 trường hợp trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tăng 9 người, lên 394 trường hợp.