Theo trang web thống kê Worldometers, tính đến 13 giờ 55 phút ngày 29-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 30.891. Tổng số ca nhiễm là 664.621. Có 142.368 ca hồi phục.
Như vậy so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 220 ca. Số ca nhiễm tăng 3.254 ca.
Trung Quốc có 81.439 ca nhiễm, trong đó 3.300 người đã tử vong.
Số ca tử vong ngoài Trung Quốc hiện lên đến 27.591. Trong đó, Ý cao nhất với 10.023 ca, Tây Ban Nha xếp thứ hai với 5.982 ca, Iran xếp thứ ba với 2.517 ca, Pháp 2.314 ca, Mỹ 2.229 ca, Anh 1.019 ca.
Các nước ca tử vong ở ba con số: Hà Lan (639), Đức (433), Bỉ (353), Thụy Sĩ (264), Hàn Quốc (152), Brazil (114), Thổ Nhĩ Kỳ (108), Thụy Điển (105), Indonesia (102), Bồ Đào Nha (100).
Năm nước có ca nhiễm cao nhất: Mỹ (123.776), Ý (92.472), Trung Quốc (81.439), Tây Ban Nha (73.235), Đức (57.695).
Thái Lan thêm 143 ca nhiễm mới
Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của chính phủ Thái Lan trưa 29-3 thông báo nước này ghi nhận thêm 143 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.388.
Thái Lan hiện có bảy ca tử vong sau khi tăng một ca.
Nhật Bản: Ca nhiễm tăng kỷ lục trong một ngày
Bộ Y tế Nhật Bản thông báo nước này có thêm 194 ca nhiễm COVID-19 vào ngày 28-3. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày tại nước này.
Một đàn ông đeo khẩu trang đi qua quận Ginza của Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: REUTERS
Bộ Y tế Nhật Bản cũng xác nhận ba ca tử vong mới, nâng số người chết vì COVID-19 tại đây lên 62.
Phần lớn số ca nhiễm được ghi nhận ở Tokyo và Chiba - nơi có cụm lây nhiễm lớn trong các viện phúc lợi và y tế.
Nhật Bản hiện có 2.211 ca nhiễm, trong đó 712 ca đến từ tàu du lịch Diamond Princess neo tại nước này.
New Zealand có ca tử vong đầu tiên
Một phụ nữ 70 tuổi trở thành người đầu tiên tại New Zealand qua đời vì COVID-19, chính phủ New Zealand thông báo ngày 29-3.
Theo số liệu của ĐH Johns Hopkins, New Zealand hiện có 514 ca nhiễm sau khi tăng thêm 63 ca vào ngày 28-3.
Trung Quốc: Ca nhiễm mới tiếp tục giảm, Vũ Hán mở lại ga tàu điện ngầm và xe lửa
Trung Quốc ngày 29-3 ghi nhận 45 ca nhiễm mới, giảm so với 54 ca ngày trước đó. Trong số đó, 44 trường hợp liên quan tới người về từ nước ngoài và một ca nhiễm nội địa.
Một đàn ông đeo khẩu trang chơi ván trượt ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trung Quốc ngày 29-3 cũng ghi nhận thêm năm ca tử vong và tất cả ở Vũ Hán. Vũ Hán cũng chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm trong 10 ngày qua.
Trung Quốc đến nay ghi nhận tổng cộng 81.439 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.300 người đã tử vong.
Trong bảy ngày qua, Trung Quốc ghi nhận 313 ca niễm nhập khẩu và chỉ có sáu ca nhiễm nội địa, dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Với lệnh cấm giao thông ở tỉnh Hồ Bắc được gỡ bỏ, Vũ Hán cũng đang dần mở cửa và khôi phục một số dịch vụ vận tải địa phương.
Tất cả sân bay ở Hồ Bắc đã khôi phục một số chuyến bay nội địa vào ngày 29-3 ngoại trừ sân bay Tianhe ở Vũ Hán. Sân bay này sẽ mở các chuyến bay nội địa vào ngày 8-4. Các chuyến bay từ Hồ Bắc tới Bắc Kinh hiện vẫn đình chỉ.
Một tàu lửa đã đến Vũ Hán hôm 28-3 lần đầu tiên kể từ khi TP này bị phong tỏa hai tháng trước.
Dẫu vậy, vẫn xuất hiện lo ngại một lượng lớn bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng và chưa được chẩn đoán có thể khiến dịch bệnh lây lan trở lại một khi các lệnh cấm giao thông được dỡ bỏ.
Nhà khoa học Trung Quốc khuyên người dân châu Âu, Mỹ đeo khẩu trang nơi công cộng
Theo người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc - ông Gao Fu, người dân ở Mỹ và châu Âu sai lầm khi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong mùa dịch COVID-19.
“Theo tôi, sai lầm lớn ở Mỹ và châu Âu là mọi người không đeo khẩu trang. Virus này truyền qua các giọt nước và tiếp xúc gần. Các giọt nước đóng vai trò rất quan trọng, bạn phải đeo khẩu trang bởi vì khi bạn nói sẽ luôn có các giọt nước bắn ra từ miệng bạn”, ông Gao trả lời phỏng vấn tạp chí y khoa hàng đầu thế giới Science Magazine.
Những nghệ sĩ biểu diễn đường phố không đeo khẩu trang trên các con đường ở Paris (Pháp). Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Gao, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chẳng hạn.
WHO nói rằng chỉ những người biểu hiện các triệu chứng nhiễm bệnh hoặc những ai đang chăm sóc những người nhiễm COVID-19 thì mới cần phải đeo khẩu trang.
Các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ có quan điểm tương tự WHO.
Tuy vậy, ông Gao nói rằng mọi người nên cẩn thận vẫn hơn.
“Nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Nếu họ đeo khẩu trang thì có thể ngăn những giọt nước mang virus thoát ra ngoài và lây nhiễm cho người khác” - ông giải thích thêm.
Cùng với lời khuyên đeo khẩu trang, ông Gao kêu gọi cần có nhiệt kế ở những nơi công cộng tại châu Âu và Mỹ.
“Bất cứ nơi nào bạn đi ở Trung Quốc đều có nhiệt kế. Bạn phải cố gắng đo nhiệt độ của mọi người thường xuyên nhất có thể để đảm bảo họ có bị sốt cao hay không mà tránh tiếp xúc” - ông Gao nói.
Ông Gao cho hay giữ khoảng cách xã hội, hạn chế mọi người di chuyển và tiến hành cách ly những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm cùng với những người mà họ đã tiếp xúc cũng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.