Tình hình dịch COVID-19 tính đến tối 11-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 20 giờ 30 ngày 11-3, tổng số ca tử vong trên toàn thế giới vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch COVID-19) gây ra là 4.360. Tổng số ca nhiễm là 118.268. Toàn thế giới có 65.757 ca chữa khỏi.

Trung Quốc ghi nhận 80.778 ca nhiễm và 3.158 ca tử vong.

Tổng số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục đến nay là 1.196 ca. Trong đó, Ý cao nhất với 631 ca, Iran xếp thứ hai với 354 ca, Hàn Quốc xếp thứ ba với 60 ca, Tây Ban Nha 35 ca, Pháp 33 ca, Mỹ 29 ca, Nhật Bản 19 ca, Anh sáu ca, Hà Lan bốn ca; Úc, đặc khu Hong Kong, Thụy Sĩ ba ca; Đức, Lebanon và San Marino đều hai ca; Panama, Morocco, Argentina, Indonesia, Philippines, Ai Cập, Canada, Thái Lan, Đài Loan, Bỉ một ca. 

WTO hoãn mọi cuộc họp trong 10 ngày vì dịch COVID-19

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ hoãn tất cả cuộc họp trong hơn một tuần sau khi ít nhất một nhân viên của tổ chức này nhiễm COVID-19, hãng thông tấn TASS cho biết.

Cửa hàng quảng cáo tặng dịch vụ rửa tay phòng dịch miễn phí cho khách hàng ở Liverpool (Anh) ngày 10-3. Ảnh: Reuters

"Tổng giám đốc Roberto Azevedo đã thông báo với các thành viên WTO rằng từ ngày 11-3, tất cả cuộc họp của WTO sẽ bị hoãn lại cho đến ngày 20-3. Quyết định được đưa ra sau khi có thông tin xác nhận một nhân viên WTO nhiễm virus gây dịch COVID-19" - thông cáo báo chí của tổ chức này nêu rõ. 

Ông nhấn mạnh WTO "đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn (cho các nhân viên của mình - PV)".

Thông cáo báo chí trên cũng nêu rõ "WTO đã thiết lập một lực lượng đặc biệt đối phó với dịch COVID-19 để theo dõi tình hình dịch và thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết trước diễn biến đang dần nghiêm trọng".

Dân Bắc Âu nhiễm COVID-19 ở nhà chờ hết bệnh, không đi bệnh viện

Có khoảng 1.000 ca nhiễm được ghi nhận ở các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển. Tuy nhiên, không có trường hợp tử vong nào tại khu vực trong lúc các nước khác của châu Âu đã có người chết.

Trong số 76 trường hợp được phát hiện ở Iceland, không có trường hợp nào phải nhập viện. Tại Na Uy, chỉ một số ít trong 277 trường hợp được đưa vào bệnh viện, theo AFP.

Các chuyên gia nhận định việc có rất ít bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Bắc Âu có thể được lý giải thông qua một số yếu tố xã hội học và nhân khẩu học.

Ông Oystein Olsvik, một giáo sư về vi trùng học tại Đại học Tromso (Na Uy), cho biết nhìn chung dân số Bắc Âu khỏe mạnh, được tiêm chủng vaccine đầy đủ từ nhỏ, được hưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, cộng thêm tỉ lệ người hút thuốc thấp và không bị ô nhiễm công nghiệp.

Lào, Myanmar vẫn đang "miễn nhiễm" với COVID-19

Theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã, sau khi 53 trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 có kết quả xét nghiệm âm tính ngày 7-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, ông Phouthone Muongpak, công bố với các nhà ngoại giao và giới truyền thông về việc Lào vẫn chưa có ca bệnh COVID-19 nào.

Khách du lịch trong một cửa hàng mua sắm tại Lào. Ảnh: ASIAN NEWS NETWORK

Cũng theo ông Phouthone Muongpak, Lào hiện có hệ thống giám sát y tế đầy đủ tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Các mẫu xét nghiệm với 53 trường hợp nghi nhiễm đã được kiểm tra 3 lần tại 3 phòng thí nghiệm khác nhau là Trung tâm thí nghiệm và dịch tễ học quốc gia Lào, Viện Pasteur tại Vientiane và Phòng thí nghiệm vi sinh học tại Bệnh viện Mahosot.

Không chỉ thế, các mẫu bệnh phẩm của người nghi nhiễm sau khi được xét nghiệm ở phòng thí nghiệm của Lào còn được gửi tới phòng thí nghiệm của WHO tại Úc để chẩn đoán thêm lần nữa.

Ông Phouthone Muongpak thừa nhận việc ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ở Lào là một thách thức lớn, song khả năng để không có ca bệnh COVID-19 nào ở nước này cũng có thể khả thi nhờ vào cách phản ứng nhanh với dịch của chính phủ Lào.

Tàu du lịch Ý phải neo ở Singapore sau khi bị các nước từ chối

Báo South China Morning Post ngày 11-3 đưa tin tàu du lịch của Ý có tên Costa Fortuna đã phải neo lại tại Singapore sau khi bị hai nước từ chối cho cập cảng.

Công ty Costa Crociere, đơn vị điều hành tàu Costa Fortuna, hôm 10-3 cho biết tàu này đã lên kế hoạch xuất phát từ Singapore đến Thái Lan và Malaysia, và vào ngày 17-3 sẽ khởi hành một chuyến nữa từ Singapore đến TP Savona ở Ý. Tuy nhiên, hai chuyến hành trình này đã bị hủy bỏ.

Hiện tại, tàu Costa Fortuna đã cập cảng Trung tâm du thuyền Singapore Bay Marina tối 10-3 sau khi bị các cảng tại Malaysia và Thái Lan từ chối vì lo ngại dịch COVID-19. Theo Công ty Costa Crociere, không có trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trong hành khách và thủy thủ đoàn.

Chính quyền Singapore nói rằng họ sẽ triển khai kiểm tra sức khỏe hành khách khi xuống tàu, những người có triệu chứng của bệnh được đưa đến Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore.

Báo The Straits Times của Singapore nói rằng trong vòng 14 tiếng đồng hồ (từ 8 giờ 40 đến 23 giờ đêm 10-3), nước này đã sơ tán khoảng 1.631 hành khách khỏi tàu Costa Fortuna. 

Thêm vào đó, toàn bộ hành khách sẽ phải rời khỏi Singapore trong vòng hai ngày tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm