Tính đến 19 giờ tối 18-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 8.131 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 198.131 ca nhiễm.
Như vậy, so với trưa cùng ngày, số ca tử vong tăng 266 người, số ca nhiễm tăng 4.957 người. Hiện đại dịch đã lan ra 169 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 81.775 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 32 người so với trưa cùng ngày.
Hành khách chờ làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Toronto Pearson, Canada ngày 15-3. Ảnh: AFP
Số ca nhiễm COVID-19 ở Malaysia tăng kỷ lục lên 790 người
Tờ The Straits Times ngày 18-3 dẫn nguồn Bộ Y tế Malaysia ghi nhận nước này có thêm 117 ca nhiễm COVID-19 trong ngày, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus tại nước này lên 790 người.
80 trong số 117 ca nhiễm mới tại Malaysia có liên quan tới sự kiện tôn giáo tại nhà thờ Hồi giáo Sri Petaling.
Theo đó, khoảng 14.500 người Malaysia và 1.500 người nước ngoài đã tham dự sự kiện tôn giáo trên từ ngày 27-2 đến 1-3 tại nhà thờ Hồi giáo gần thủ đô Kuala Lumpur.
Sự kiện tôn giáo ở khu vực Sri Petaling cũng thu hút các tín đồ từ nhiều nước tham gia bao gồm Canada, Nigeria, Ấn Độ và Úc. Công dân Trung Quốc và Hàn Quốc - hai điểm nóng COVID-19 trên thế giới - cũng tham dự.
Malaysia một ngày trước đó đã thông báo hai ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh, trong đó có một người từng tham dự sự kiện tại một nhà thờ ở Sri Petaling.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hồi 16-3 đã thông báo sẽ phong tỏa đất nước từ ngày 18-3 đến ngày 31-3 nhằm chặn đà lây lan của dịch.
Theo lệnh phong tỏa, tất cả nhà thờ, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị, chợ, các cửa hàng tiện lợi. Các trường học, đại học cũng tạm thời cho học sinh, sinh viên nghỉ học.
Các sự kiện công cộng tập trung đông người như thể thao, văn hóa xã hội, tôn giáo, hay việc di chuyển giữa các tỉnh, thành cũng bị cấm.
Malaysia sẽ không đón du khách nước ngoài trong thời gian này, trong khi công dân Malaysia tạm thời không được phép du lịch nước ngoài. Công dân Malaysia từ nước ngoài trở về phải trải qua thủ tục kiểm tra y tế và tự cách ly 14 ngày.
EU thừa nhận đã đánh giá thấp độ nguy hiểm của dịch COVID-19
Ngày 18-3, trả lời phỏng vấn tờ Bild (Đức), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thừa nhận các lãnh đạo khối Liên minh châu Âu (EU) đã đánh giá sai về dịch bệnh COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Theo bà Von der Leyen, các chính khách, vốn không phải là những chuyên gia về y tế, đã đánh giá thấp COVID-19 khi dịch bệnh này còn đang bùng phát ở Trung Quốc.
Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh dịch COVID-19 sẽ khiến chính phủ các nước EU bận rộn trong thời gian tới, và hiểu ra rằng tất cả những biện pháp mà trước đây hai hoặc ba tuần còn bị đánh giá là hà khắc thì nay lại đang cho thấy sự cần thiết.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu một lần nữa tái khẳng định châu Âu đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng.
Cũng trong ngày 18-3, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu đóng cửa các đường biên giới với bên ngoài nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, các chuyến đi không cần thiết tới Liên minh châu Âu đều sẽ bị cấm và thời gian dự kiến áp dụng là 30 ngày. Biện pháp mang tính bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên và theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel là sẽ rất nhanh chóng có hiệu lực.
Canada chuẩn bị công bố gói hỗ trợ dịch 21 tỉ USD
Theo tờ Globe and Mail, chính phủ Canada ngày 18-3 dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá hơn 21 tỉ USD để giúp người dân cũng như các doanh nghiệp nước này ứng phó với tác động tiêu cực của COVID-19.
Gói hỗ trợ này sẽ dành cho những người bị mất việc vì doanh nghiệp đóng cửa, trong đó có cả lao động tự do/tự làm chủ và lao động bán thời gian, những người không được hưởng trợ cấp bảo hiểm việc làm thường xuyên.
Một trong những biện pháp của gói kích cầu kinh tế trên là tăng hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với khó khăn về tiền mặt.
Theo một số nguồn tin, Canada sẽ sử dụng các chương trình hiện hành để hỗ trợ người dân như nới lỏng các quy định về bảo hiểm việc làm, tăng mức hoàn thuế hàng hóa và dịch vụ (GST)...
Sáu ngân hàng lớn nhất Canada (trong đó có RBC, Bank of Montreal...) vừa ra thông báo cho biết những khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 sẽ được phép hoãn thanh toán các khoản vay thế chấp tới sáu tháng để giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch.
Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và chế tạo Canada (CME) cũng lên tiếng kêu gọi tạm thời giảm thuế thu nhập và một số loại phí của chính phủ, tài trợ trực tiếp cho các hãng chế tạo gặp nhiều khó khăn về tài chính, loại bỏ thủ tục khi nộp đơn tham gia chương trình hỗ trợ tài chính.
Ngành du lịch cũng đang đề nghị chính phủ Canada hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Nhiều chuyên gia kinh tế Canada dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ rơi vào vùng âm trong quý II-2020 với mức sụt giảm có thể vượt cả thời kỳ nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Tính đến tối 18-3, Canada ghi nhận 568 ca nhiễm COVID-19, tám trường hợp tử vong.