Tính đến 18 giờ 30 tối 5-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 3.303 người tử vong vì dịch COVID-19, 95.650 ca nhiễm. Như vậy, so với số liệu lúc 14 giờ chiều cùng ngày, số ca tử vong tăng 17 người, số ca nhiễm tăng 162 người.
Đến nay đã có hơn 80 quốc gia bị lây nhiễm với 295 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Đứng đầu là Ý và Iran cùng có 107 ca tử vong, Hàn Quốc 41 ca, Nhật 12 ca (tính cả du thuyền Diamond Princess), 11 ca ở Mỹ, bốn ca ở Pháp, hai ca ở Iraq, hai ca ở Úc, hai ca ở đặc khu Hong Kong, một ca ở Philippines, một ca ở Thái Lan, một ca ở San Marino, một ca ở Thụy Sĩ, một ca ở Đài Loan và một ca ở Tây Ban Nha.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 53.455 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Hàn Quốc: Số tử vong vượt dịch SARS
Ngày 5-3, Hàn Quốc thông báo có thêm chín người chết (ba người thông báo buổi sáng và năm người thông báo buổi chiều). Như vậy số người chết vì dịch COVID-19 của Hàn Quốc thời điểm hiện tại là 41 người, vượt số ca chết thời dịch SARS của nước này (39 người).
Một nhân viên y tế run rẩy vì lạnh tại một cơ sở đặc biệt được thiết lập để điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: YONHAP NEWS
Số ca nhiễm hiện tại của Hàn Quốc là 6.088. TP Daegu - tâm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc vẫn chiếm tới 75% số ca nhiễm trên cả nước.
Trong ngày Hàn Quốc đã phải tuyên bố thêm một “vùng chăm sóc đặc biệt” – là TP Gyeongsan khoảng 275.000 dân cách thủ đô Seoul 250 km, ngoài hai vùng đã tuyên bố từ tháng 2 là TP Daegu và huyện Cheongdo lân cận.
California cấm tàu chở 2.500 người cập cảng
Hàng ngàn người bị mắc kẹt trên tàu du lịch Grand Princess ngoài khơi bờ biển California (Mỹ) từ tối 4-3 vì lo ngại dịch COVID-19 lây lan sau khi hành khách và thành viên thủy thủ đoàn xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh, theo hãng tin AFP.
Công ty Princess Cruises, chủ sở hữu con tàu du lịch này, cho biết có gần 2.500 hành khách cùng thủy thủ đoàn trên tàu, trong đó có 1.150 là thủy thủ. Tính đến nay, trên tàu có 11 hành khách và 10 thành viên thủy thủ đoàn nghi nhiễm COVID-19.
Tàu Grand Princess đi ngang qua Cầu Cổng Vàng tại bang California (Mỹ) trong hành trình đi đến Hawaii. Ảnh: AP
Trong ngày 4-3, California thông báo có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19. Nam bệnh nhân 71 tuổi này từng tham gia cùng hành trình với tàu Grand Princess này.
Con tàu du lịch Grand Princess xuất phát từ bang California đến Hawaii và đang trong hành trình về lại San Francisco. Tàu dự kiến ngày 7-3 sẽ cập bến thì được thông báo phải neo đậu ngoài khơi. Giới chức bang California cho biết phải tiến hành công tác xét nghiệm những người nghi nhiễm trên tàu xong mới quyết định có cho tàu cập cảng hay không.
Tàu du lịch Grand Princess thuộc sở hữu Công ty Princess Cruises. Đây cũng chính là công ty khai thác tàu du lịch Diamond Princess có tới 700 người dương tính với COVID-19 và đã cách ly tại cảng Yokohama của Nhật.
Ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh ở Đức
Tính đến trưa 5-3, Viện Robert Koch - Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Liên bang Đức ghi nhận 262 trường hợp lây nhiễm COVID-19, không có ca tử vong nào. Với số liệu này, Đức đã trở thành một trong những điểm nóng mới nổi ở châu Âu, bên cạnh Ý và Pháp.
15 trong số 16 bang của Đức đã báo cáo có trường hợp nhiễm COVID-19. Bắc Rhine-Westphalia là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 100 ca dương tính tập trung ở đây.
Để đối phó với COVID-19, chính quyền liên bang và cơ quan chức năng từng địa phương đang triển khai nhiều nỗ lực tập trung, trong đó có các biện pháp cách ly đặc biệt đối với những người nhiễm bệnh cũng như hủy bỏ những sự kiện tập trung đông người như hội chợ, triển lãm…
Phát biểu hôm 4-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo với tốc độ lây lan đến chóng mặt như hiện tại của COVID-19, hiện đã đủ tiêu chí bị xem là đại dịch toàn cầu.
WHO khuyến cáo cẩn trọng với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ tiền mặt
Theo báo Telegraph, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát thông điệp khuyến cáo mọi người nên rửa tay sạch thường xuyên hơn và nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm COVID-19.
Trong thông điệp phát đi tối 2-3, WHO cho biết người tiêu dùng nên rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với tiền mặt khi giao dịch vì COVID-19 có khả năng tồn tại trong một số ngày trên các bề mặt như tiền giấy.
Tháng trước chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh khử trùng với các đồng bạc cũ đang lưu hành vì lo sợ chúng có thể là nguồn lây nhiễm virus COVID-19. Ảnh: CHINA DAILY
Một người phát ngôn của WHO cho biết để phòng lây nhiễm bệnh, nếu có thể người dân nên sử dụng các phương thức thanh toán phi tiền mặt.
Cũng theo báo Telegraph, ngân hàng Anh thừa nhận về khả năng các tờ bạc giấy "có thể chứa virus hoặc vi khuẩn", đồng thời khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên.
Tháng trước, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều bắt đầu triển khai việc tẩy uế và "cách ly" số tiền mặt đã sử dụng để phòng ngừa lây lan dịch COVID-19. Nhà chức trách đã sử dụng ánh sáng tia cực tím hoặc xử lý ở nhiệt độ cao để khử trùng các tờ bạc, sau đó đưa số tiền này vào niêm phong 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu hành.