Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; rà soát, tính toán lại quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án.
Đồng thời làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đề xuất phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT lựa chọn phương án và hình thức đầu tư phù hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tháng 11-2018, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin bố trí nguồn vốn để hỗ trợ dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. Nêu lý do xin bố trí nguồn vốn nhà nước, đại diện Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cho hay theo Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, việc sử dụng tài sản công hỗ trợ cho dự án có thay đổi. Cụ thể là quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương phải được thực hiện theo Luật Đấu giá chứ không giao cho nhà đầu tư thu phí như phương án ban đầu. Do đó, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không sử dụng hỗ trợ nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương và kiến nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 932 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án.
Đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ có chiều dài 23,6 km, điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 80 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), điểm cuối tại nút giao Chà Và với quốc lộ 1 (tỉnh Vĩnh Long). Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư khoảng 5.408 tỉ đồng.
P.PHONG