Tổng thống Mỹ Biden thăm Việt Nam: Điểm sáng hợp tác kinh tế

(PLO)- Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam sẽ tiếp thêm động lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt - Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (VN) từ ngày 10 đến 11-9, theo thông báo ngày 5-9 của Bộ Ngoại giao.

Chuyến thăm có ý nghĩa với cả hai nước

Chuyến thăm của Tổng thống Biden có thể xem là sự tiếp nối truyền thống thăm VN của các tổng thống Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Có thể nhắc đến các chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George W. Bush (năm 2006), Tổng thống Barack Obama (năm 2016), Tổng thống Donald Trump (năm 2017 và 2019).

Nhân sự kiện quan trọng này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia trong và ngoài nước về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Biden với cả hai nước và về vai trò của chuyến thăm với một điểm sáng quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ là kinh tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) được ông Joe Biden (khi đó là phó tổng thống Mỹ) đón tiếp tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ) ngày 7-7-2015. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) được ông Joe Biden (khi đó là phó tổng thống Mỹ) đón tiếp tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ) ngày 7-7-2015. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

TS khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak, Singapore), nhận định rằng chính phủ Mỹ và bản thân Tổng thống Biden rất coi trọng phát triển mối quan hệ với VN. Cùng quan điểm, ThS Phan Xuân Dũng, nhà nghiên cứu tại ISEAS-Yusof Ishak, cho rằng “Mỹ coi VN là một đối tác chủ chốt trong khu vực”.

ThS Hoàng Việt, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định đây là chuyến thăm đặc biệt và mang tính lịch sử khi diễn ra đúng dịp Việt - Mỹ kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược, khi quan hệ song phương ở mức tốt đẹp nhất. Trong khi đó, GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, ĐH New South Wales (Úc), nhấn mạnh về lợi ích song trùng của hai nước trong chuyến thăm của Tổng thống Biden đến VN.

“Chuyến thăm của Tổng thống Biden đến VN có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó thể hiện mối quan tâm chung, lợi ích chung ngày càng nhiều giữa Mỹ và VN trong bối cảnh hệ thống quốc tế ngày càng phân cực và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại” - GS Thayer chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Quan hệ Việt - Mỹ hứa hẹn sẽ phát triển lên những tầm cao mới và sẽ mang lại cho hai bên nhiều lợi ích.

ThS HOÀNG VIỆT

Hợp tác kinh tế sẽ rộng mở hơn

Hợp tác kinh tế có thể nói là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 lên 138 tỉ USD vào năm 2022. Năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay của VN vượt mốc 100 tỉ USD/năm, đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN trong năm qua.

Từ đầu năm đến nay VN đã đón nhiều quan chức cấp cao về kinh tế, thương mại của Mỹ sang thăm, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. Các đoàn doanh nghiệp, nổi bật nhất là đoàn 52 tập đoàn lớn của Mỹ, đã đến tìm cơ hội mở rộng kinh doanh tại VN.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia nhận định rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden là sự tiếp nối của những công du cấp cao trên và một trong những trọng tâm của chuyến thăm của vị tổng thống Mỹ là thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế giữa hai nước.

“Chủ đề chính của chuyến thăm sẽ là hợp tác kinh tế, đặc biệt liên quan đến việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển và đầu tư các ngành công nghệ cao ở VN như sản xuất chip bán dẫn và chuyển dịch năng lượng trong bối cảnh VN đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050” - TS Giang nhận định.

Nhắc đến cuộc điện đàm hồi tháng 3 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden, GS Thayer cho rằng thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và giáo dục sẽ là những mảng hợp tác được ưu tiên.

“Những việc này sẽ được giao cho các quan chức cấp cao xây dựng kế hoạch hành động nhiều năm với các đề xuất cụ thể để đạt được các mục tiêu chung. Hai bên sẽ thiết lập cơ chế giám sát để đảm bảo đạt được các mục tiêu này” - GS Thayer cho biết.

ThS Hoàng Việt lưu ý việc Mỹ muốn tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu như thế giới đã chứng kiến trong đại dịch COVID-19, tích cực tìm kiếm chuỗi cung ứng mới và VN hội tụ nhiều tiềm năng như nguồn nhân lực trẻ, năng động, xã hội ổn định... là một lựa chọn ưu tiên.

TS Nguyễn Khắc Giang cũng cùng quan điểm rằng “với lợi thế về vị trí địa lý, nhân lực, độ mở cao của nền kinh tế và nền chính trị ổn định”, VN “là điểm đến an toàn của các công ty Mỹ”. Trong khi đó, ThS Phan Xuân Dũng tự tin cho rằng với phía Mỹ thì VN là điểm đầu tư hấp dẫn.

“Chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ tạo động lực cho việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, thương mại số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao và chất bán dẫn” - TS Dũng trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.•

Chờ đợi những thỏa thuận kinh doanh “khủng” của hai bên

Hiện nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Nike, Dell, Intel đã chọn VN là điểm đến đầu tư, mở rộng chuỗi cung ứng và nhiều công ty khác cũng đang nghiên cứu mở cơ sở sản xuất tại VN.

Chuyên gia Hoàng Việt dự đoán rằng tháp tùng Tổng thống Biden sang VN lần này sẽ có nhiều tập đoàn lớn của Mỹ và sẽ có nhiều thỏa thuận kinh doanh “khủng” được ký. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Theo chuyên gia Hoàng Việt, hợp tác với Mỹ trong bối cảnh thương mại song phương có tiềm năng phát triển hơn nữa, VN sẽ có cơ hội đón các nhà đầu tư lớn có công nghệ, cách quản lý hiện đại từ Mỹ. Ông đánh giá điều này sẽ giúp VN nhận thêm dòng vốn FDI và góp phần thay đổi môi trường đầu tư ở VN theo chiều sâu chứ không chỉ chiều rộng như trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm