Tổng Thư ký LHQ: Cần 'sự nhảy vọt lượng tử' về hỗ trợ nước nghèo vượt đại dịch

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo tình trạng nợ công không được kiểm soát có thể đe dọa các nỗ lực khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 tại các nước dễ bị tổn thương nhất thế giới, hãng tin Reuters cho hay.

Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị LHQ về Thương mại và phát triển ở Barbados hôm 4-10, ông Guterres ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các nước nghèo vượt qua các khó khăn kinh tế do COVID-19. Tuy nhiên, ông Guterres cho rằng cần có “sự nhảy vọt lượng tử” trong các nỗ lực hỗ trợ này.

Ông Guterres lo ngại rằng các khoản nợ không được kiểm soát ở các nước nghèo có thể trở thành “con dao găm xuyên qua trái tim” của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: REUTERS

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass báo động rằng tính tới giữa năm 2021, hơn một nửa số quốc gia nghèo nhất thế giới “đang, hoặc có nguy cơ, lâm vào cảnh khốn cùng”.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi gia hạn Sáng kiến đình chỉ nghĩa vụ trả nợ của G20 (DSSI) tới năm sau và hy vọng kế hoạch này sẽ giúp tất cả các quốc gia cần được giúp đỡ, kể cả các nước có thu nhập trung bình, để xây dựng chiến lược toàn diện về tái cấu trúc nợ quốc tế và thúc đẩy các nỗ lực tài chính tư nhân hỗ trợ các nước nghèo đi vay nợ.

“Chúng ta biết rằng việc đình chỉ thanh toán nợ sẽ là không đủ đối với nhiều quốc gia. Họ sẽ cần biện pháp xóa nợ hiệu quả, có sự tham gia của cả các chủ nợ nhà nước và tư nhân” - ông Guterres nói.

Ông Guterres cũng chỉ ra sự “bất công” rằng “các nước giàu có thể vay với giá rẻ và chi tiêu để phục hồi - trong khi các nước có thu nhập thấp và trung bình phải vật lộn để giữ cho nền kinh tế của họ phát triển”.

DSSI là sáng kiến được thông qua hồi tháng 4-2020 với đối tượng được hỗ trợ chỉ gồm 77 nước có thu nhập thấp. Hồi tháng 4-2021, các lãnh đạo G20 đồng ý kéo dài DSSI tới tháng 12-2021, song nhấn mạnh rằng đây là lần gia hạn cuối cùng.

Hôm 4-10, Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi tái phân bổ các khoản tài chính chưa được sử dụng trong khuôn khổ Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) sang cho các nước dễ bị tổn thương.

SDR là định dạng “tài sản” cho phép các quốc gia thành viên IMF bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại hối của từng nước. SDR có thể được sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa các nước hoặc trong thanh toán theo điều ước quốc tế.

Hồi cuối tháng 8, IMF đã thông qua mức phân bổ SDR lớn nhất trong lịch của định chế tài chính này giúp tăng cường tính thanh khoản cho hệ thống kinh tế toàn cầu, bổ sung dự trữ ngoại hối cho các quốc gia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới