TP.HCM: 9 tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng

(PLO)- Theo Cục Thống kê TP.HCM, 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 871.198 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy sức tiêu thụ hàng hoá được cải thiện.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 của Cục Thống kê TP.HCM, 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác) ước đạt 871.198 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 514.500 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lương thực thực phẩm đạt doanh thu 101.801 tỉ đồng, tăng 22,5%; đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt doanh thu với 65.166 tỉ đồng, tăng 8,1%; xăng dầu các loại doanh thu đạt 56.343 tỉ đồng, tăng 18,5%,...

kich-cau.jpg
Người tiêu dùng mua sắm tại sự kiện do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức. ẢNH: TÚ UYÊN

9 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt hơn 80.200 tỉ đồng, tăng 31,8%. Trong đó, doanh thu ăn uống đạt 71.982 tỉ đồng, tăng 30,5%, phản ánh sự nhộn nhịp trở lại của khách du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí ở TP.HCM.

Cục Thống kê TP.HCM đánh giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn mức tăng của 8 tháng (9,6%), cho thấy sức tiêu thụ hàng hoá được cải thiện.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng cho thấy khách du lịch đến TP.HCM tăng, chứng tỏ việc thực hiện gia hạn visa, đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thêm tuyến, điểm du lịch đang phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, các chính sách tăng lương từ 1-7, giảm thuế VAT, tăng chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước đang trở thành động lực thúc đẩy tăng tiêu dùng trong nước.

Về tình hình 3 tháng cuối năm 2023, cơ quan thống kê cho rằng, TP.HCM cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề như: Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương, các quốc gia để tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước.

Tăng cường kiểm soát công tác bình ổn giá, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng khan hiếm giả tạo hoặc tăng giá cục bộ ở một số mặt hàng.

Chính quyền, đơn vị các cấp cũng tập trung giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thuế, giảm thuế giá trị gia tăng. Mở rộng việc tiếp cận nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ khách hàng tiếp cận các gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm