Đó là ý kiến của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tại hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân - khuyến nghị cho TP.HCM giai đoạn 2019-2035” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 27-9.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NC
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục, ổn định và đầy đủ cho người dân cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp nước tại TP.HCM.
Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng chất lượng nước
Thời gian vừa qua, lĩnh vực cấp nước của TP.HCM đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước sông, kênh rạch trên địa bàn TP, đặc biệt là hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và cung cấp nước sạch cho TP.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nguồn nước của TP được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai nhưng do TP lại nằm phía cuối lưu vực nên còn tồn tại nhiều khó khăn đối với nguồn nước thô như: vấn đề ô nhiễm nguồn nước; tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp nước; thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô. Những yếu tố này sẽ gây mất an toàn cấp nước trong tương lai.
Tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan đánh giá hiện nay nguồn nước thô của TP được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai nhưng TP lại nằm phía cuối lưu vực nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai là rất lớn.
Về hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước mặc dù phát triển nhanh chóng và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu truyền tải và phân phối nước đến người dân. Tuy nhiên, vẫn một số tồn tại như hệ thống phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều hạng mục công trình được đầu tư đã nhiều năm cần được cải tạo.
"Quy hoạch mạng lưới cấp nước TP được cấy tạo mạng vòng, không có những bể chứa nước để điều phối và dự phòng trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước. Chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý quy chuẩn có thể dùng cho ăn uống trực tiếp nhưng khi đến người sử dụng thì một số chỉ tiêu chất lượng chưa đảm bảo,…" - ông Hoan cho biết thêm.
Giải pháp nâng cao chất lượng nước ở TP.HCM
Tại hội thảo, ông Dr Paul Smith, Giám đốc hợp tác quốc tế, Hiệp hội Nước của Úc, chia sẻ: Để ứng phó với những thách thức về chất lượng nước, quy chuẩn chất lượng nước uống của Úc được ban hành để cung cấp khung quản lý đối với các nguồn cung cấp nước, nếu được áp dụng sẽ đảm bảo tính an toàn tại điểm sử dụng.
Bên cạnh đó, ông Dr Paul Smith cho biết thêm, rủi ro lớn nhất đối với khách hàng sử dụng nước uống là nước bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Bảo vệ nguồn nước giữ vai trò vô cùng quan trọng và thực chất ít tốn kém hơn công đoạn xử lý nước. Hệ hống nước uống phải thường xuyên duy trì nhiều hàng rào chắn bảo vệ mạnh mẽ để ngăn ngừa các mức độ nhiễm khuẩn xâm nhập vào nguồn cung nước thô.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, để bảo vệ tài nguyên nước TP cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ: Đối với quản lý tổng thể tài nguyên nước, cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, kế hoạch quản lý tài nguyên nước dài hạn và ngắn hạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý hiệu quả, góp phần giảm thiểu khối lượng điều tra, thăm dò chuyên ngành trong thủ tục đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng chính là góp phần cải cách thủ tục hành chính;
Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến; xây dựng cơ chế phối hợp tổng thể giữa các ban ngành có liên quan đến công tác quản lý theo định hướng thống nhất quản lý; tăng cường công tác quản lý hoạt động xả thải;….
Theo ông Võ Văn Hoan, quy hoạch cấp nước của TP cần phải được xem xét, điều chỉnh hoặc làm quy hoạch mới, trở nên cấp bách. Quy hoạch cấp nước của TP phải gắn với quy hoạch cấp nước của vùng. Khi quy hoạch phải chú ý đến an ninh nguồn nước và chú ý đến việc sử dụng nước tiết kiệm.
Theo quy hoạch, tổng công suất cấp nước của TP đến năm 2015 là 2,84 triệu m3/ngày và đến năm 2025 là 3,7 triệu m3/ngày. Từ khi quy hoạch đến nay, tổng công suất cấp nước toàn TP đạt 2,4 triệu m3/ngày, đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân TP cho sản xuất và sinh hoạt. Cũng theo quy hoạch, chỉ tiêu tỉ lệ hô dân được sử dụng nước sạch đến năm 2015 đạt 100% đối với khu vực nội thành cũ và 98% đối với khu vực nội thành mới và ngoại thành. Đến năm 2025, 100% hộ dân TP được cấp nước sạch. Đến nay, tỉ lệ hộ dân TP được cấp nước sạch là 100%. Tuy nhiên, việc cấp nước qua đồng hồ tại nhà dân đạt 97,8%, còn 2,2% thông qua các giải pháp cấp nước khác (đồng hồ tổng, bồn nước, thiết bị lọc). |