TP.HCM: Xin... được chết đúng ngày giờ tốt

Mới đây, ông L.H.A (hơn 70 tuổi, Việt kiều Mỹ, ngụ quận 3, TP.HCM) đã làm đơn gửi chính quyền địa phương nơi ông đang sinh sống để xin... được chết đúng ngày giờ tốt.

Vì phúc đức lâu dài cho con cháu?!

Ông A. trình bày rằng mình đang mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, không thể chữa trị. Bác sĩ riêng dự đoán ông chỉ còn sống chừng ba tháng. Qua một thời gian dài làm lụng ở xứ người, hiện ông đã gầy dựng được một cơ ngơi trị giá khoảng 100 triệu USD. Nay ông quay trở về quê cha đất tổ để sống cuối đời. Vừa qua, ông có đi xem tử vi và phong thủy. Thầy tử vi đã chọn được cho ông giờ và ngày đẹp để ra đi. Nếu vĩnh biệt thế gian vào đúng ngày giờ này, con cháu ông sẽ có được phúc đức lâu dài về sau. Tin lời thầy, ông muốn được chết êm ái vào đúng giờ ngày tốt đó vì con cháu.

Tuy nhiên, dự định cuối đời của ông A. đang gặp nhiều khó khăn. Sợ chết đau đớn, ông “nhức đầu” phân vân là nên lựa cách tiêm thuốc hay uống thuốc độc để ra đi được nhẹ nhàng. Đồng thời, ông còn phải sắp xếp làm sao cho việc chết tự nguyện không gây phiền phức cho bất kỳ ai. Trong khi đó, bác sĩ của ông thì từ chối tiêm thuốc, còn những người thấu hiểu tâm tình ông lại không chịu giúp ông mua thuốc độc dù trước đó họ cứ nói “Mua rất dễ”. Quá bức bách, ông đành phải làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận để bác sĩ có điều kiện hợp pháp giúp đỡ ông chết.

Pháp luật không cho phép!

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã từ chối ngay đơn xin được chết của ông A. bởi hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa quy định về vấn đề này.

Trước đây, năm 2005, khi bàn về việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, các nhà làm luật nước ta từng tranh cãi rất nhiều xung quanh quyền được chết. Bởi lẽ thực tế đã xuất hiện những người mắc bệnh hiểm nghèo, phải chịu đựng đau đớn vật vã, thậm chí sống đời sống thực vật cả đời. Trong một số trường hợp, người bệnh hoặc thân nhân muốn họ được ra đi êm ái.

Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đề nghị cần luật hóa quyền được chết. Tuy nhiên cuối cùng, số đông vẫn cho rằng theo phong tục của dân tộc và đạo đức người Á Đông, quy định về quyền được chết tại thời điểm này là không phù hợp.

Dưới góc nhìn pháp lý, thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) cho biết liên quan đến cái chết, hiện Bộ luật Dân sự mới chỉ quy định về quyền khai tử. Ở nước ta, quyền được sống là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Bất kỳ ai giúp đỡ người khác chết là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Bàn rộng hơn, theo ông Hùng, trong tương lai có thể vấn đề này sẽ tiếp tục được đặt ra để mổ xẻ. Tuy nhiên, nếu pháp luật có cho phép và quy định về quyền này thì trước hết phải nhằm mục đích nhân văn, nhân đạo. Trường hợp nào có nhu cầu chính đáng muốn được ra đi thanh thản thì việc xem xét cần phải rất chặt chẽ nhằm tránh sự lạm dụng.

Quyền được chết trên thế giới

Không riêng gì Việt Nam, trên thế giới nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc có nên giúp đỡ một người chấm dứt cuộc sống một cách không đau đớn hoặc ít đau đớn nhất nhằm giúp họ khỏi kéo dài cuộc sống trong những hoàn cảnh không mong muốn hay không.

Hiện nay chỉ có vài nước hay vài địa phương là đồng ý với cái chết tự nguyện này. Cụ thể, Hà Lan đã chính thức cho phép cái chết tự nguyện vào năm 2002. Cùng năm, Bỉ cho phép việc tự tử được bác sĩ trợ giúp. Ở Mỹ, năm 1997, bang Oregon đã có luật cho phép tự tử được bác sĩ hỗ trợ. Bang Texas năm 1999 cũng cho phép cái chết tự nguyện. Nhưng ở các bang khác của Mỹ vẫn cấm an tử. Ở Úc, một tỉnh đã thông qua luật an tử năm 1995 nhưng Quốc hội nước này đã bãi bỏ vào năm 1997. Còn ở các quốc gia như Anh và Áo, dù cấm an tử nhưng thái độ của nhà chức trách đối với các bác sĩ “lỡ” trợ giúp an tử thường cũng không quá gay gắt.

Tại Trung Quốc, trong kỳ họp Quốc hội năm 2007, một cô gái tên Lý Dương đã gửi thư điện tử tới đề nghị các nhà làm luật kiến nghị đưa ra luật an tử. Cô Dương sống ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, bị ung thư thần kinh vận động từ khi mới lọt lòng. Mới 28 tuổi nhưng cô đã mất khả năng vận động toàn thân, không thể thực hiện bất kỳ chức năng cơ bản nào của cơ thể nếu không có sự trợ giúp. Mẹ cô phải chăm sóc cô suốt 28 năm qua, cho ăn, đưa đi vệ sinh, giúp cô xoay trở hàng chục lần mỗi đêm...

Các bác sĩ cho biết cô Dương có thể sống tới 40 tuổi. Dù rất quý trọng cuộc sống nhưng cô vẫn mong được chết. Cô không thể nào chịu nổi khi nghĩ đến ngày cha mẹ cô ra đi, cô phải sống cuộc đời còn lại với sự dơ bẩn, bệnh tật... Cô Dương cũng bày tỏ ý định quyết liệt đấu tranh cho luật an tử, nếu không được cô sẽ tự tử bằng cách tuyệt thực. Tuy nhiên đến nay, các nhà làm luật Trung Quốc vẫn cho rằng chưa phải là lúc để đưa ra luật này vì e ngại có thể bị lạm dụng cho những mục đích khác, gây nhiều rắc rối khó lường.

Vụ đầu tiên được chết ở Hàn Quốc

Ngày 21-5, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã lần đầu tiên chấp thuận cho một bệnh nhân nữ sống thực vật được quyền chết theo yêu cầu của gia đình dù bệnh viện phản ứng quyết liệt. Theo tòa, việc dùng các biện pháp y học để duy trì sự sống cho bệnh nhân không còn khả năng hồi phục là xúc phạm đến lòng tự trọng của họ.

Bệnh nhân này hiện 76 tuổi, hôn mê hơn một năm nay vì não đã chết, nằm tại một bệnh viện ở thủ đô Seoul. Thấy bệnh nhân không thể hồi phục, người nhà yêu cầu rút ống thở nhưng bệnh viện từ chối. Người nhà bệnh nhân đã kiện ra tòa. Sau đó, các cấp tòa đã bác bỏ sự phản đối của bệnh viện, chấp thuận yêu cầu của gia đình người bệnh.

Phán quyết trên của Tòa án tối cao Hàn Quốc là trong một trường hợp cụ thể, không đồng nghĩa với việc Hàn Quốc cho phép các bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân chết êm ái.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm