Cụ thể, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cần: Tăng cường hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu như bổ sung đảo chờ, vạch đi bộ, đèn đi bộ; tổ chức phân luồng giao thông phù hợp với tình hình thực tế; rà soát, bố trí đầy đủ biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo trên các tuyến đường đi qua khu vực có trường học; kịp thời có phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp khi xảy ra ùn tắc.
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị phối hợp để đảm bảo an toàn giao thông quanh khu vực trường học. Ảnh: ĐÀO TRANG
Đối với Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP cần: Xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND quận, huyện, trường học về việc sử dụng xe buýt cho học sinh; tổ chức rà soát và điều chỉnh những bất cập của hệ thống hạ tầng xe buýt như bến bãi, trạm dừng, nhà chờ xe buýt… để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt tại những nơi tập trung đón trả học sinh, sinh viên; đưa ra biện pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Về phía UBND các quận, huyện cần chỉ đạo lực lượng liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các trường học trên địa bàn quản lý. Từ đó, đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các cổng trường vào các giờ đưa đón học sinh.
Đặc biệt Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị Công an TP hỗ trợ thực hiện các công việc như chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác điều hòa giao thông tại các cổng trường để xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ; xử phạt nghiêm tình trạng các loại xe dừng đỗ trái quy định trên các tuyến đường xung quanh trường học, đặc biệt là khu vực trung tâm TP.