Ông cũng cảnh báo bên thứ ba tìm cách nâng cao quan hệ đồng minh quân sự trong khu vực không phải để phục vụ cho lợi ích các nước châu Á.
Thế nhưng khẩu hiệu “một châu Á cho người châu Á” của ông Tập Cận Bình lại khiến mọi người liên tưởng đến đế quốc Nhật trước đây. Chính quyền quân phiệt Nhật cũng đã từng hô hào xây dựng “một châu Á thuộc về người châu Á” để tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong khu vực nhằm chống lại Đồng minh.
Ông Curtis S. Chin, nguyên đại sứ Mỹ bên cạnh Ngân hàng Phát triển châu Á, đã nhận định như trên trong bài viết đăng trên báoSouth China Morning Post (Hong Kong) ngày 14-7.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhận vị trí chủ tọa trong hội nghị CICA hồi tháng 5 -2014
Trong những ngày này, một cuộc triển lãm được tổ chức ở quận Manhattan (New York) nhân kỷ niệm 75 năm Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ông Curtis S. Chin ghi nhận điều thú vị là các hiện vật và hình ảnh quá khứ lại gợi nhớ tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Sự liên tưởng này càng trở nên rõ ràng hơn khi xem một áp phích tuyên truyền của quân đội Nhật hoàng tại Philippines. Áp phích có dòng chữ bằng tiếng Anh: “Ngày 8-12 (ngày Nhật tấn công Trân Châu Cảng). Kỷ niệm lần thứ ba chiến tranh Đại Đông Á bảo vệ châu Á vì người châu Á. Chiến thắng của Nhật cũng là chiến thắng của Philippines”.
Đại Đông Á hay còn gọi là khối thịnh vượng chung Đại Đông Á là khái niệm của nước Nhật dưới thời Nhật hoàng nhằm thành lập khối các quốc gia châu Á do Nhật lãnh đạo và không phụ thuộc vào phương Tây. “Chiến tranh Đại Đông Á bảo vệ châu Á vì người châu Á” đã dẫn đến kết cục là Nhật và phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương chìm đắm trong chiến tranh và hủy diệt.
Đối với khẩu hiệu “châu Á dành cho người châu Á” của Trung Quốc (TQ) hiện nay, một câu hỏi rất đáng lo ngại được đặt ra: Liệu một TQ mới có nguy cơ trở thành đế quốc Nhật cách đây bảy thập niên hay không?
Từ đống tro tàn của Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, một cấu trúc an ninh mới đã phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ để bảo đảm hòa bình, thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương và cho phép TQ trỗi dậy. Trớ trêu thay, chính TQ đang phản đối nguyên trạng an ninh này.
Ông Curtis S. Chin nhận định tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố phản đối hành động khiêu khích của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ. Điều cần thiết là TQ phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 khỏi biển Đông, các nước Đông Nam Á phải đoàn kết và Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông phải được thiết lập.
LÊ LINH