Trung Quốc đang mua nhiều sầu riêng của Việt Nam nhưng...

(PLO)-Sau 10 năm diện tích trồng thanh long Trung Quốc đã vượt Việt Nam, đối với sầu riêng Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Xuất Nhập khẩu dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới.

Tháng 9 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 917 triệu USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5,64 tỉ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này phần lớn nhờ sự đóng góp của xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc và các loại trái cây rau củ chủ lực như chanh leo, chuối, mít, xoài, dưa hấu,… .

Cục Xuất Nhập khẩu dự báo xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục tăng trưởng những tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ cũng như ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, xoài, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, mít của Việt Nam nhờ chất lượng, hương vị đặc trưng.

thanh long Trung Quốc
Sầu riêng Việt Nam bày bán tại siêu thị GO! quận Tân Phú TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc trái cây Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn. Nhiều trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được phía Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh.

Cụ thể, sau 10 năm diện tích trồng thanh long Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Đối với sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi.

Vì vậy, ngành hàng rau quả Việt Nam cần mang đến những giá trị thực sự qua chất lượng, hương vị đặc trưng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển, duy trì.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam hiện nay diện tích trồng thanh long của Việt Nam 40.000-45.000 ha. Thanh long được trồng chủ yếu tại các địa phương Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

Về cơ cấu thị trường, so với tháng trước, tháng 9 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Canada tăng (chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9) đã tác động tích cực lên toàn ngành.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tiềm năng giảm. Điều này cho thấy ngành rau quả Việt Nam đang có dấu hiệu phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc.

Chuối Việt Nam thay thế vị trí số 1 của Philippines tại Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm

Theo số liệu Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tám tháng đầu năm 2024 Trung Quốc nhập khẩu xấp xỉ 1,13 triệu tấn chuối, trị giá 592,1 triệu USD. Giá bình quân nhập khẩu của Trung Quốc từ thế giới đạt 524 USD/ tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam trở thành nguồn cung chuối lớn nhất cho Trung Quốc trong tám tháng đầu năm với lượng nhập khẩu 459 ngàn tấn, trị giá 189,82 triệu USD, tăng 19,6% về lượng, tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, trong tám tháng đầu năm Trung Quốc giảm nhập khẩu chuối từ các nguồn cung như Philippines do thời tiết tại quốc gia này không thuận lợi, dẫn đến sản lượng giảm và giá cao hơn.

Do đó, ngành chuối Việt Nam đã thay thế vị trí nhà cung cấp số 1 của Philippines, đang chiếm lợi thế tại thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, dù chuối của Philippines vẫn được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung, chi phí cao hơn đã tạo điều kiện cho chuối Việt Nam mở rộng thị phần.

Theo đó, thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 31,33% trong tám tháng đầu năm 2023 lên 40,71% trong tám tháng đầu năm 2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm