Trung Quốc - một quyền lực bấp bênh

Lại thêm một chuyên gia từ Pháp đóng góp ý kiến vạch trần âm mưu xâm chiếm biển Đông của Trung Quốc (TQ). Nhà nghiên cứu cao cấp Valérie Niquet (ảnh) phụ trách khu vực châu Á của Quỹ Về nghiên cứu chiến lược, nguyên Giám đốc Trung tâm châu Á (Viện Quan hệ quốc tế Pháp), đã trả lời báo La Croix ngày 16-6 như sau:

. Các yêu sách lãnh thổ trên biển của TQ có chính đáng hay không?

+ Chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh trên biển Đông hay biển Hoa Đông đã được các nước láng giềng của TQ (Việt Nam, Philippines, Nhật…) cũng như cộng đồng quốc tế đặt ra khi các yêu sách của TQ chỉ dựa trên căn cứ duy nhất vào lịch sử.

TQ cho rằng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên quân nhà Hán đã biết đến khu vực này nên Bắc Kinh lấy đó làm căn cứ đòi lấy toàn bộ biển Đông. Nếu như vậy thì Hy Lạp cũng có thể đòi chủ quyền toàn bộ Địa Trung Hải…

Vấn đề thứ hai là TQ đã không giải thích rõ các yêu sách lãnh thổ của mình theo yêu cầu của Philippines hay Việt Nam.

Ngày 20-6 (giờ địa phương), sau cuộc gặp với Thủ tướng New Zealand John Key ở phòng bầu dục, Tổng thống Obama trả lời báo chí: Điều quan trọng là TQ phải giải quyết tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế chứ không thể leo thang. Ảnh: REUTERS

Hiện thời Bắc Kinh dựa vào đường chín đoạn được chính quyền TQ vạch thô thiển và nhanh chóng vào năm 1948 để đòi toàn bộ biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không biết TQ đòi luôn các đảo cùng các vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải bao quanh hay chỉ muốn đòi toàn bộ biển Đông mà không dựa trên các vùng biển đặc thù.

. Hành động của TQ như đưa tàu hải cảnh, đặt giàn khoan dầu có thể gây ra chiến tranh hẹp hay rộng hơn, lôi kéo cả Nhật và Mỹ?

+ Từ cuối thập niên 2000, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược ở biển Đông và đã quyết định thử khả năng phản ứng và ý chí đáp trả của các nước láng giềng và Mỹ. Mục đích của TQ là thiết lập một bối cảnh phân tích tương quan lực lượng trong khu vực chứ không phải một cộng đồng quốc tế có tổ chức hài hòa.

Đối phó với chiến lược phép thử này, các nền dân chủ như Nhật, Mỹ không mong muốn TQ đi quá xa và cũng không sẵn sàng bước vào xung đột trực diện với TQ. Tuy nhiên, nguy cơ bột phát sự cố có thể xảy ra. Từ đầu năm đến nay, máy bay của Nhật đã cất cánh trên biển Hoa Đông hơn 400 lượt vì rắc rối xảy ra với TQ.

Trên biển Đông, tình hình có khác và có thể phát sinh sự cố nhanh hơn… TQ đang ứng xử như kẻ mạnh. Chúng ta luôn lo ngại có sai lầm trong tính toán và kết cục là phản ứng mạnh từ phía Việt Nam, Nhật hay Mỹ.

. Giới hạn TQ không nên vượt qua là gì?

+ Rất khó xác định trên biển Đông... Một trong những giới hạn mà Mỹ đã gợi ra là TQ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông như đã lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

Trên biển Hoa Đông, TQ sẽ vượt lằn ranh đỏ khi sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật quản lý. Hành động này sẽ kéo theo phản ứng của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố quần đảo này thuộc phạm vi hiệp định an ninh chung Mỹ-Nhật.

. Ngày nào đó những căng thẳng này có thể giảm bớt hay không?

+ Sự việc sẽ chỉ thay đổi phụ thuộc diễn tiến của chính quyền TQ… Hiện nay chính quyền TQ xây dựng tính hợp pháp dựa trên chủ nghĩa dân tộc, dựa trên cái mà người TQ gọi là thực hiện “giấc mơ TQ”. Tham vọng tự đại này giải thích vì sao TQ gây hấn với các nước láng giềng để áp đặt như một cường quốc đứng đầu châu Á.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm