Trung Quốc xác nhận đã yêu cầu một số phòng thí nghiệm (phòng lab) phải hủy các mẫu virus SARS-CoV-2 do lý do an toàn sinh học, báo South China Morning Post đưa tin.
Trung Quốc hành động phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn sinh học
Ngày 14-5, ông Liu Dengfeng - một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết cơ quan chức năng đã yêu cầu hủy các mẫu virus ở các phòng thí nghiệm chưa được cấp phép nghiên cứu, để "tránh rủi ro với an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm và tránh dịch bệnh thứ phát do các mầm bệnh không xác định".
Ông Liu cho biết ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), "các viện nghiên cứu chuyên nghiệp cấp quốc gia" đã cố gắng xác định mầm bệnh.
Ông Liu Dengfeng - một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho rằng nước này đã hành động phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc gia: SCMP
"Dựa trên những nghiên cứu toàn diện và ý kiến của chuyên gia, chúng tôi đã quyết định tạm thời quản lý mầm bệnh gây ra bệnh viêm phổi (sau này được đặt tên là COVID-19 - PV) ở cấp độ 2 (có khả năng gây bệnh cao) và áp dụng một số yêu cầu an toàn sinh học với việc thu thập mẫu bệnh phẩm, vận chuyển và tiến hành thí nghiệm, cũng như việc hủy các mẫu", ông Liu nói.
Các phòng thí nghiệm phải hủy mẫu virus là do chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết. Do đó, ông Liu cho rằng quyết định của Bắc Kinh là phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xử lý các mẫu bệnh phẩm có nguy cơ gây bệnh cao, tương tự như virus SARS hay virus đậu mùa.
Ông cũng chỉ trích rằng "một số phát biểu của một số quan chức Mỹ đã không xem xét đến bối cảnh và nhằm mục đích gây nhầm lẫn".
Trung Quốc không ngăn WHO đến thăm phòng thí nghiệm ở Vũ Hán
Ông Liu cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ các mẫu virus SARS-CoV-2 "theo cách có trật tự trong khuôn khổ WHO" để "tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vaccine, công cụ chẩn đoán và thuốc chữa COVID-19".
NHC cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc từ chối yêu cầu của WHO về việc đến thăm Viện Virus học Vũ Hán - cơ quan quản lý phòng thí nghiệm mà Mỹ cho là nơi làm rò rỉ virus SARS-CoV-2.
Các chuyên gia WHO và chuyên gia Trung Quốc đến thăm một bệnh viện ở TP Vũ Hán hôm 23-2. Ảnh: CHINA DAILY
Ông Li Mingzhu - quan chức cao cấp thuộc bộ phận hợp tác quốc tế của NHC cho biết trong các chuyến công tác hồi tháng 1 và tháng 2 các chuyên gia WHO đã thăm nhiều phòng thí nghiệm và tiến hành trao đổi chuyên sâu với các chuyên gia Trung Quốc, theo báo China Daily.
Ông Li cho rằng trong suốt thời gian ở Vũ Hán, nhóm chuyên gia WHO không yêu cầu đặc biệt đến thăm một phòng thí nghiệm cụ thể nào ở Vũ Hán (ngoài các phòng thí nghiệm do phía Trung Quốc đề xuất).
"WHO chưa bao giờ đưa ra yêu cầu đến thăm phòng thí nghiệm cụ thể nào, do đó tuyên bố rằng WHO bị từ chối đến phòng thí nghiệm nào đó ở Vũ Hán là không đúng", ông Li nói.
Các thông tin về việc Trung Quốc yêu cầu hủy mẫu virus SARS-CoV-2
Mỹ đã liên tục đưa ra những cáo buộc rằng đại dịch COVID-19 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhiều lần nói rằng Trung Quốc đã không cung cấp mẫu bệnh phẩm lấy từ các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên và thậm chí còn yêu cầu hủy các mẫu virus ở thời điểm đó.
Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 2, một ủy ban y tế cấp tỉnh ở Trung Quốc cho biết họ được yêu cầu không cung cấp mẫu virus cho bất kỳ tổ chức hoặc phòng thí nghiệm nào khi chưa được cấp trên phê duyệt.
Cũng theo báo cáo, các phòng thí nghiệm chưa được cấp phép phải hủy mẫu bệnh phẩm hoặc chuyển các mẫu này sang trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cấp tỉnh để bảo quản.
Cũng trong tháng 2, báo Tài Tân (Trung Quốc) cho biết một số bệnh viện đã gửi mẫu virus cho các công ty tư nhân để giải mã trình tự gen. Kết quả giải mã đầu tiên đã có từ ngày 27-12 cho thấy virus mới cùng họ với virus SARS.
Theo Tài Tân, các mẫu virus này đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của giới chức Trung Quốc.
NHC chỉ bắt đầu nghiên cứu về virus này từ ngày 31-12 và thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cùng ngày. Đến ngày 9-1, Trung Quốc mới xác nhận virus này thuộc họ virus Corona (cùng họ với virus SARS).