Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc phô diễn "sức mạnh ngoại giao" trong buổi tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29-5 tại Cung điện Versailles được xây dựng từ thế kỷ 17, ở phía Tây Paris.
Sau cuộc gặp kéo dài 2 giờ - dài hơn dự kiến. Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Macron cho biết ông đã có cuộc đối thoại cực kỳ thẳng thắn và trực tiếp với ông Putin. Ông Macron cũng không ngần ngại chỉ trích hai cơ quan truyền thông nhà nước Nga là hãng tin Sputnik và đài Russia Today đã đưa thông tin sai lệch về ông và chiến dịch tranh cử của ông nhằm can thiệp bầu cử tổng thống Pháp, mặc cho ông Putin đang đứng ngay cạnh.
Tổng thống Pháp Macron (trái) đón Tổng thống Nga Putin trước Cung điện Versailles, ngày 29-5. Ảnh: AP
Vào đầu tháng 5, chỉ hai ngày trước ngày bầu cử, hệ thống máy tính đội tranh cử ông Macron bị tấn công. Hàng loạt email bị đánh cắp và rò rỉ. Các chuyên gia an ninh mạng ở Mỹ nhận định tin tặc liên quan đến chính phủ Nga. Một tháng trước bầu cử, ông Putin cũng đã chủ động tiếp ứng viên cực hữu Marine Le Pen - đối thủ của ông Macron.
Tại cuộc họp báo, ông Putin không có vẻ gì bối rối khi ông Macron đưa ra cáo buộc, khẳng định Nga không hề có ý định can thiệp bầu cử Pháp. Về cuộc gặp với bà Le Pen, ông Putin nói rằng đó đơn giản chỉ là cách xử sự lịch sự: “Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai, luôn luôn là vậy. Một khi bà Le Pen đề nghị gặp, tại sao chúng tôi từ chối? Hơn nữa bà ấy luôn nói rằng muốn phát triển quan hệ với chúng tôi. Nếu chúng tôi từ chối bà ấy thì mới là điều lạ”.
“Điều đó không có nghĩa chúng tôi cố gắng can thiệp kết quả bầu cử. Chưa nói điều đó gần như không thể” - ông Putin nói.
Tổng thống Pháp Macron (phải) và Tổng thống Nga Putin họp báo sau cuộc gặp tại Cung điện Versailles, ngày 29-5. Ảnh: AP
Ông Macron là lãnh đạo phương Tây đầu tiên đối thoại với ông Putin sau khi hội nghị G7 ở Ý kết thúc, nơi quan hệ với Nga là một chủ đề chính. Nga đã rời khỏi G7 sau sự kiện sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014. Trước cuộc gặp ông Macron đã tuyên bố không nhân nhượng Nga, sẵn sàng cứng rắn khi cần thiết.
Dù cứng rắn nhưng tại cuộc họp báo, ông Macron cũng lần nữa khẳng định vai trò không thể thiếu của Nga: “Không có Nga, sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề lớn nào của thế giới”.
Thái độ và phát ngôn của ông Macron tại cuộc họp báo cho thấy hai lãnh đạo Pháp-Nga vẫn bất đồng về nhiều vấn đề, tuy nhiên cả hai đã cam kết cùng cải thiện quan hệ, thống nhất không để các bất đồng làm suy yếu quan hệ hai nước vốn xấu đi từ thời Tổng thống tiền nhiệm Francois Hollande.
Chủ đề được đồng thuận cao nhất tại cuộc gặp là cuộc chiến chống khủng bố. Ông Macron đề xuất cho chuyên gia chống khủng bố hai nước gặp nhau cùng làm việc, cùng chia sẻ thông tin tình báo. Hai ông Putin và Macron thống nhất cùng hợp tác về nhiều vấn đề toàn cầu, như Syria, Ukraine, bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Pháp Macron (phải) và Tổng thống Nga Putin hội đàm tại Cung điện Versailles, ngày 29-5. Ảnh: REUTERS
Về vấn đề Syria, hai bên cùng thống nhất tìm kiếm “một giải pháp chính trị toàn diện”. Tuy nhiên ông Macron vạch rõ “lằn ranh đỏ” của Pháp với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, cảnh báo Pháp sẽ phản ứng ngay lập tức và không khoan nhượng với việc này. Trong khi đó, ông Putin nói ông không chắc chính sách của Pháp về Syria có “độc lập” hay không, khi Pháp là thành viên của liên minh chống khủng bố ở Syria do Mỹ dẫn đầu.
Về Ukraine, hai lãnh đạo Pháp-Nga thống nhất xúc tiến một vòng đàm phán hòa bình mới với sự tham gia của Nga, Đức, Pháp, và Ukraine. Ông Macron không đề cập chuyện phương Tây trừng phạt Nga vì Ukraine.
Cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của hai lãnh đạo Pháp-Nga trong cuộc gặp khá phù hợp. Không giống như cái bắt tay quá mạnh và kéo dài với Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước, cái bắt tay của ông Macron với ông Putin diễn ra khá nhanh nhưng thân tình. Ông Putin đã mời ông Macron sang thăm Nga. Hai ông còn ôm nhau chào, bắt tay và cười khi tạm biệt.