Sở GTVT TP.HCM vừa nghe báo cáo đề án thu phí ôtô vào trung tâm, sau khi đã hoàn thiện, chỉnh sửa đề án cũ của công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong.
Theo đề án mới, đơn vị đầu tư đã hoàn thiện hơn kế hoạch thu phí hiện đại, mở rộng địa bàn thu. Điểm mới trong đề án lần này là chủ đầu tư sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR).
Cách này được cho là đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô mỗi giờ trên một làn, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước.
Đề án được điều chỉnh lên 1.660 tỷ đồng (giai đoạn đầu nghiên cứu là 1.200 tỷ đồng) với nhiều giai đoạn.
Khu vực giới hạn thu phí ở đề án cũ được đơn vị đầu tư thay đổi, mở rộng ra khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: ZING |
Ở giai đoạn đầu, đơn vị sẽ bắt đầu xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP.HCM vào năm 2019. Trung tâm điều hành sẽ kết nối các cổng, xử lý thông tin và quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.
Giai đoạn tiếp theo sẽ xây bổ sung 3 cổng trên các tuyến ùn tắc ở khu vực Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Trường Chinh, Cộng Hòa, khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1, xe buýt nhanh...
Theo báo cáo, hiện có đến 60-70% ôtô "mượn" đường Trường Sơn chứ không đi vào sân bay Tân Sơn Nhất nên đề án bổ sung trạm thu phí ở đầu đường này, thu tiền trước. Nếu xe nào vào sân bay thì khi ra cổng kiểm soát sẽ được hoàn tiền, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay.
Về thu phí, đơn vị lập đề án xây dựng ba kịch bản để xác định mức phí phù hợp trong thời gian từ 6h đến 17h là 30.000-50.000 đồng tùy loại xe; kiến nghị giảm phí cho taxi và người dân sống trong khu vực trung tâm.
Theo Sở GTVT TP.HCM, đơn vị đầu tư sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến của các sở, ban ngành và chuyên gia giao thông. Dự kiến năm 2020, đề án sẽ hoạt động cùng thời điểm với tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.
Hồi năm 2010 UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Hai năm sau đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng sau đó bị ngưng.
Đến cuối năm 2016, UBND TP yêu cầu Sở GTVT phối hợp với đơn vị đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và xem đây như một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm.
Theo Sở GTVT đây là giải pháp góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM. Dự án sẽ được báo cáo với UBND TP.HCM trong thời gian tới nhằm sớm đưa vào áp dụng.