Từ vụ tai nạn xe Ferrari: Người lái xe ban đêm cần lưu ý điều này

(PLO)- Hàng loạt vụ tai nạn giao thông vào ban đêm, người lái xe cần tích luỹ cho mình những kinh nghiệm và cách xử lý tình huống khi lái xe. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông vào ban đêm khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt đối với những người lái xe ô tô.

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2022, số vụ TNGT xảy ra vào ban đêm (khung giờ từ 18 giờ - 24 giờ) gia tăng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 40,85% (năm 2021 là 38,75%).

Theo các chuyên gia, những “bác tài” lái xe ban đêm chia sẻ, lái xe vào ban đêm thường bị hạn chế tầm nhìn và đòi hỏi đèn xe phải đủ điều kiện sáng. Đáng chú ý là sự quan sát của chủ xe cần linh hoạt hơn.

Dưới đây là những kinh nghiệm lái xe ban đêm được các lái xe chia sẻ:

Nắm rõ cung đường, lộ trình

Khi di chuyển vào ban đêm, tầm nhìn của tài xế bị hạn chế, khó quan sát các loại đèn, vạch đường, biển chỉ dẫn. Do đó, để đảm bảo an toàn, lái xe nên nắm rõ cung đường mình sẽ đi, hoặc lưu ý bật định vị khi phải lưu thông trên những tuyến đường mới.

Mỗi người lái xe cần nắm rõ hành trình mình di chuyển. Ảnh: TN

Mỗi người lái xe cần nắm rõ hành trình mình di chuyển. Ảnh: TN

Hiện nay, hầu hết các mẫu xe ô tô hiện đại đều được trang bị hệ thống bản đồ, định vị, chỉ đường. Mọi thông tin và hình ảnh được hiển thị trên màn hình trung tâm giúp lái xe dễ dàng nắm bắt lộ trình mình đang di chuyển. Hoặc các trang bị thiết bị GPS thông minh giúp cảnh báo tài xế khi đi chệch hướng so với làn đường được thiết lập, cảnh báo khi di chuyển quá tốc độ nâng cao mức độ an toàn cho tài xế khi lái xe ban đêm.

Giữ khoảng cách an toàn

Tầm quan sát vào ban đêm không được tốt, vì vậy người lái xe nên điều khiển ô tô di chuyển chậm hơn, phù hợp khoảng chiếu sáng của hệ thống đèn pha và không vượt quá tốc độ cho phép.

Bên cạnh đó, người lái xe cũng nên giữ khoảng cách an toàn với các xe đi phía trước để kịp phản ứng trước những tình huống bất ngờ. Để căn khoảng cách, nhiều tài xế thường áp dụng nguyên tắc 4 giây. Theo đó, lái xe sẽ chọn điểm sáng xa nhất mà đèn cốt rọi tới, khi xe phía trước đi qua điểm này, bạn bắt đầu đếm 4 giây. Sau 4 giây nếu xe vừa tới hoặc sắp tới điểm sáng đã chọn thì xe bạn đang ở trong khoảng cách an toàn. Ngược lại nếu xe vượt qua điểm sáng khi chưa đếm tới 4 giây, bạn nên giảm tốc độ để giữ khoảng cách phù hợp.

Theo nguyên tắc này, giả sử tài xế đang lái xe với tốc độ 60 km/giờ tương đương 16,6m/giây. Với tốc độ này, nếu áp dụng nguyên tắc 4 giây, cần phải giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước khoảng 16,6 x 4 = 66m.

Sử dụng hợp lý đèn pha, cốt

Sử dụng đèn pha, đèn cốt đúng quy định để quan sát. Ảnh: TN

Sử dụng đèn pha, đèn cốt đúng quy định để quan sát. Ảnh: TN

Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, việc sử dụng đèn pha, cốt không phù hợp sẽ bị xử phạt tuỳ vào các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, có nhiều tài xế vẫn chưa nắm rõ những thông tin này.

Đèn cốt là đèn chiếu gần với góc chiếu thấp giúp tài xế dễ dàng quan sát tình trạng mặt đường và xung quanh trong cự li ngắn. Đèn cốt hạn chế về tầm nhìn gây khó khăn khi xử lý tình huống trên đường cao tốc. Khi lưu thông qua khu dân cư hoặc các tuyến đường nội thành, tài xế sử dụng chế độ đèn cốt kết hợp với giảm tốc độ tránh làm lóa mắt người di chuyển ngược chiều, giảm khả năng va chạm.

Đèn pha có tầm chiếu cao, cường độ ánh sáng mạnh, giúp tài xế quan sát biển báo và xử lý tốt hơn khi di chuyển trên đường cao tốc với tầm nhìn bao quát. Nhược điểm của đèn pha là cản trở tầm nhìn và gây khó chịu cho xe đi ngược chiều, dễ xảy ra tai nạn. Do đó, tài xế chỉ sử dụng đèn pha khi xe lưu hành trên đường cao tốc hoặc các đoạn đường vắng, một chiều, ít phương tiện.

Trường hợp đèn xe chưa đủ điều kiện sáng để đi vào ban đêm, các chủ xe nên điều chỉnh, thay thế để phù hợp với tầm nhìn của mình nhưng vẫn đảm bảo việc sửa chữa đúng quy định của luật hiện hành.

Giữ vệ sinh kính chắn gió và cụm đèn trước

Kính chắn gió ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng quan sát của tài xế. Nếu lớp kính bị bụi bẩn, mờ sẽ khiến người lái xe khó quan sát tín hiệu cảnh báo và giảm khả năng xử lý tình huống. Do đó, người lái xe cần luôn đảm bảo kính chắn gió sạch và dễ dàng quan sát, đặc biệt vào ban đêm.

Ngoài ra, người lái xe cũng cần kiểm tra cụm đèn trước và các bộ phận khác của xe như động cơ, phanh, còi, gương, lốp, tình trạng xăng...

Chú ý người/phương tiện đột ngột băng ngang đường

Đây là một trong các tình huống nguy hiểm và dễ gặp khi lái xe ban đêm. Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do nguyên nhân người, thú vật, phương tiện đột ngột băng ngang nhưng người lái không kịp xử lý. Do đó, khi lái xe vào ban đêm, người lái xe cần chú ý quan sát và sẵn sàng xử lý các tình huống bất ngờ này.

Khi lái xe ban đêm cần lưu ý quan sát người và phương tiện băng qua. Ảnh: TN

Khi lái xe ban đêm cần lưu ý quan sát người và phương tiện băng qua. Ảnh: TN

Hạn chế yếu tố tác động tới mắt của lái xe

Khi lái xe, ánh sáng trong xe quá mạnh có thể tác động khiến đồng tử mắt của tài xế bị co lại. Để khắc phục, người lái nên giảm bớt nguồn sáng bên trong xe, điều chỉnh không để quạt gió điều hòa thổi trực tiếp vào mặt. Điều này giúp tài xế không bị mỏi và khô mắt, tăng khả năng tập trung lái xe.

Nghỉ ngơi khi mệt mỏi, buồn ngủ

Lái xe trong nhiều giờ đồng hồ, đặc biệt là vào ban đêm dễ khiến các “bác tài” mệt mỏi và buồn ngủ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm vào ban đêm. Do đó, khi có dấu hiệu buồn ngủ, người lái xe nên đỗ xe ở nơi an toàn, nghỉ ngơi cho đến khi đủ tỉnh táo mới tiếp tục hành trình. Nếu đi đường dài vào ban đêm, tốt nhất nên có người đi cùng để đổi lái và hạn chế nghe nhạc du dương khi lái xe.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người và xe, chủ xe cần tuân thủ kỹ năng lái xe ban đêm, bảo dưỡng, kiểm tra xe định kỳ, không sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, giữ tỉnh táo và bình tĩnh để dễ dàng xử lý các tình huống trên đường đi.

Nhiều vụ tai nạn trong đêm

Mới đây, rạng sáng 31-10, vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô Ferrari 488 và xe mô tô điều khiển đi phía trước cùng chiều khiến một người đàn ông tử vong tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trước đó ở Sơn La, tối 23-10, tại Km 170+070 QL6 đoạn qua địa phận huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã xảy ra vụ tai nạn giữa ô tô bán tải và xe máy cũng khiến 2 người đi xe máy tử vong.

Trước đó 1 ngày, khoảng 2giờ 40 sáng 22-10, vụ va chạm giữa xe ô tô đầu kéo lưu thông trên tuyến Đại lộ Nam Sông Mã đã va chạm với một chiếc ô tô di chuyển theo hướng ngược lại cũng khiến 2 người tử vong, mắc kẹt trong cabin.

Ngày 10-10, tại Mỹ Tho, cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông vào lúc 20 giờ khiến một nam thanh niên khoảng 20 tuổi lái xe máy tử vong khi đâm vào đuôi xe tải đang dừng sát dải phân cách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm