Đài RT ngày 13-2 dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmitry Kuleba cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã từ bỏ kế hoạch loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT).
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Kiev và Moscow đang tăng cao.
Theo ông Kuleba, một số quốc gia thành viên EU đã “gây áp lực phải từ bỏ kế hoạch loại Nga khỏi SWIFT”, song ông không nêu rõ những quốc gia nào đã phản đối việc áp dụng biện pháp trừng phạt này.
“Đây là quyết định của nội bộ Liên minh châu Âu, vì một số quốc gia, đã không sẵn sàng từ bỏ lợi ích của riêng mình liên quan đến việc Nga bị loại khỏi SWIFT” - Ngoại trưởng Kuleba nói, thêm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ được thực hiện nếu Nga thực sự tấn công Ukraine.
Việc loại Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) có thể ảnh hưởng nặng nề đến châu Âu. Ảnh: RT
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã xác nhận hôm 11-2 rằng Washington không có kế hoạch giáng đòn phủ đầu vào Moscow.
Tuyên bố của ông Kuleba xác nhận một thông tin trước đó của hãng tin Reuters, trích dẫn các quan chức EU và Mỹ giấu tên, cho biết các nước phương Tây sẽ trừng phạt các ngân hàng lớn của Nga, song sẽ không loại Moscow ra khỏi SWIFT.
“Nhận ra việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ ảnh hưởng nặng nề đến châu Âu, phương Tây đang thiết kế các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng đến Nga song vẫn có thể hạn chế thiệt hại đối với họ” - Reuters đưa tin.
Theo đó, kế hoạch loại Nga ra khỏi SWIFT đã bị các nhà cho vay ở châu Âu phản đối do lo ngại rằng Nga sẽ không hoàn trả các khoản nợ cho họ.
Nghiên cứu của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan cho thấy có nhiều ngân hàng lớn của châu Âu, bao gồm UniCredit, RBI, Societe Generale của Pháp và ING của Hà Lan có nguy cơ mất hàng tỉ USD nếu biện pháp trừng phạt trên được triển khai.
Mối lo ngại về một cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine xuất hiện sau khi Moscow điều 100.000 quân đến gần biên giới với Kiev. Mỹ cùng các nước phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine.
Trong khi đó, chính quyền Nga liên tục phủ nhận và cho rằng chính Mỹ cùng đồng minh của mình mới là bên gây nên sự bất ổn ở khu vực Đông Âu.