Vào 18 giờ ngày 24-9, tại nhà tù bang Missouri (Mỹ), nhà chức trách thi hành án tử hình đối với ông Marcellus Williams, theo đài CNN.
Ông Marcellus Williams bị kết án vào năm 2001 với tội giết bà Felicia Gayle. Bà Gayle là phóng viên, được phát hiện bị đâm chết tại nhà riêng vào năm 1998.
Tuy nhiên, theo các luật sư của ông Williams, việc thi hành án tử hình này là bất thường. Trước đó, các luật sư của ông Williams đã đệ đơn kháng cáo hàng loạt, cho rằng có sự thiên vị trong việc lựa chọn bồi thẩm đoàn và vật chứng trong vụ án có phần không chính xác.
Một công tố viên ở hạt St. Louis (bang Missouri) cũng đề nghị hủy bỏ bản án đối với ông Williams. Ngoài ra, gia đình nạn nhân cũng yêu cầu tòa miễn án tử cho ông Williams.
Tuy nhiên, các đơn kháng cáo và các yêu cầu này đã không được tòa án chấp nhận. Ngày 23-9, tòa án cấp cao nhất của bang Missouri và thống đốc bang này ra quyết định từ chối hoãn thi hành án tử hình đối với ông Williams. Một ngày sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ cũng bác bỏ hoãn thi hành án mà không đưa ra lời giải thích cụ thể.
Con dao có mẫu DNA lạ
Ông Williams bị ấn định chịu án tử hình vào ngày 24-9-2024. Từ năm 2001 đến ngày thi hành án, nhiều phiên tòa đã được mở ra và nhiều đơn kháng cáo đã được nộp lên các cơ quan nhưng đều không mang đến kết quả có lợi cho ông Williams.
Ngày 21-9, luật sư của ông Williams và công tố viên hạt St. Louis – ông Wesley Bell đã nộp một bản yêu cầu Tòa án bang Missouri chuyển vụ án trở lại tòa cấp dưới để có "phiên tòa toàn diện hơn". Theo CNN, Văn phòng Công tố hạt St. Louis là đơn vị giữ vai trò công tố trong phiên tòa xét xử ông Williams vào năm 2001.
Theo đó, bản yêu cầu lập luận rằng xét nghiệm DNA trên con dao được sử dụng trong vụ giết người có thể cho thấy ông Williams không phải là thủ phạm giết bà Gayle.
Trước đó, phiên tòa xét xử hồi tháng 8 kết luận rằng DNA lạ có trên hung khí là do một nhân viên điều tra đã chạm vào hung khí mà không đeo găng tay.
Tuy nhiên, cơ quan tư pháp bang Missouri cho rằng phát hiện trên không thể minh oan cho ông Williams. "Trong trường hợp này, vòng xét nghiệm DNA mới đã chứng minh rằng chúng tôi đã đúng ngay từ đầu. Con dao đã được nhiều bên xử lý, bao gồm lực lượng thực thi pháp luật" – ông Andrew Bailey, người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Missouri, nói.
“Những vật dụng cá nhân của nạn nhân được tìm thấy trong xe của ông Williams sau vụ giết người. Một nhân chứng cho biết ông Williams đã bán máy tính xách tay của nạn nhân cho nhân chứng này. Bạn gái của ông Williams đã nhìn thấy ông ta vứt bỏ quần áo đẫm máu mặc trong vụ giết người" - theo cơ quan tư pháp bang Missouri.
Văn phòng Công tố hạt St. Louis cho biết ông Williams đã có thỏa thuận với văn phòng vào tháng 8. Theo đó, ông Williams chấp nhận “lời nhận tội Alford” (chấp nhận bị tuyên án nhưng vẫn khẳng định bản thân vô tội), với mức án giết người cấp độ một và bị tuyên án tù chung thân. Thỏa thuận này đã được gia đình nạn nhân đồng ý.
Tuy nhiên, văn phòng tư pháp Missouri phản đối thỏa thuận này và kháng cáo lên tòa án cao nhất của tiểu bang. Tòa án này sau đó cũng đồng ý phản đối thỏa thuận.
Nỗ lực bất thành
Sau khi có tin Tòa án Tối cao Mỹ không đồng ý hoãn thi hành án tử hình, bà Tricia Rojo Bushnell – một luật sư khác của ông Williams – cho rằng: “Họ sẽ làm điều đó mặc dù công tố viên không muốn ông ấy bị tử hình. Bản thân nạn nhân cũng không muốn ông ấy bị tử hình. Chúng ta có một hệ thống coi trọng sự kết thúc hơn là công bằng”.
Sau khi ông Williams bị tử hình, ông Larry Komp – một trong những luật sư của ông Williams – cho biết thân chủ của ông vẫn vô tội cho đến phút cuối.
"Mặc dù ông ấy sẵn sàng thừa nhận những sai trái mà mình đã gây ra trong suốt cuộc đời, nhưng ông ấy không bao giờ do dự khi khẳng định ông vô tội đối với bản án này. Mặc dù chúng tôi vô cùng đau khổ và không tin vào những gì nhà nước đã làm với một người vô tội, nhưng chúng tôi được an ủi khi ông ấy đã rời khỏi thế giới này trong sự bình yên” – ông Komp nói.
Trong khi đó, trong một bài đăng trên nền tảng X (Twiiter), một tổ chức nhân quyền ở Mỹ cho rằng: “Bang Missouri đã tử hình một người đàn ông da màu vô tội khác. Thống đốc bang có trách nhiệm cứu mạng người đàn ông vô tội này, nhưng ông đã không làm vậy. Chúng tôi sẽ buộc ông thống đốc phải chịu trách nhiệm. Trong khi bằng chứng DNA [liên quan vụ án] chứng minh [ông Williams] vô tội, án tử hình này không phải là công lý, mà là giết người”.
Tuy nhiên, về phía nhà chức trách, họ có lập luận của riêng mình. "Chúng tôi hy vọng điều này sẽ chấm dứt một vụ án đã kéo dài nhiều thập niên, khiến gia đình bà Gayle phải chịu đựng. Không có bồi thẩm đoàn hay thẩm phán nào cho rằng ông Williams vô tội. Sau 2 thập niên tố tụng tư pháp và hơn 15 phiên tòa xét xử, bản án của ông ấy vẫn giữ nguyên”, theo ông Mike Parson, Thống đốc bang Missouri.
Theo Trung tâm thông tin về án tử hình Mỹ, hơn 200 người ở nước này đã bị kết án tử hình và sau đó đã được minh oan kể từ năm 1973. Trong đó, 4 người sống tại bang Missouri.