Vào đại học ‘học đại’ - biết ra sao ngày mai?

Việc này thoạt trông thì bình thường nhưng vẫn thấy có điều gì đó bất hợp lý khi có quá nhiều thí sinh vào đại học để “học đại”. Học như thế rồi sẽ ra sao ngày mai?

Thời nay hầu như các bậc cha mẹ ai cũng muốn con phải vào ĐH. Mùa thi tốt nghiệp THPT và ĐH không chỉ căng thẳng đối với thí sinh mà các bậc cha mẹ có khi còn căng thẳng hơn!

Từ áp lực gia đình…

Hãy nhìn cảnh các phụ huynh chen chúc đứng ngồi quanh các điểm thi, các trường ĐH, CĐ chờ kết quả xét tuyển mới thấy áp lực tâm lý nặng nề của cha mẹ lẫn con cái như thế nào.Và cũng từ cái tâm lý phải vào cho được ĐH nên nhiều em đã phải nhảy cóc từ trường này, ngành này sang trường khác, ngành khác mặc dù ngành đó, trường đó không phù hợp với sở thích, năng khiếu.

Đó là chưa kể đến áp lực các em phải học ngành nghề do cha mẹ lựa chọn vì họ cho là có tương lai mà chẳng quan tâm con mình có thích hay có năng khiếu không. Hoặc đơn thuần chỉ vì họ thích nhưng lúc trẻ không được học nên bây giờ bắt con phải học. Học kiểu này có thể gọi là “cái học méo mó”. Như trường hợp một bạn tôi rất mê nhạc, đặc biệt là violon. Anh chia tay vợ, gà trống nuôi con. Cậu con trai rất thương cha, rất có hiếu, cha bảo gì cũng nghe. Bạn tôi bắt thằng con thi vào trường nhạc, học khoa Violon. Tội nghiệp thằng bé, không có năng khiếu về nhạc nhưng nghe lời cha, ráng học ngày học đêm nên cũng đậu trường nhạc. Mỗi ngày, nó dậy sớm hì hục tập kéo violon làm cả xóm thức giấc bởi tiếng đàn ò í e của nó. Nhiều người độc miệng gọi thằng nhỏ học “cưa cổ cầm” bởi cái cách nó kéo đàn giống như cưa cổ!

Nhiều bạn trẻ học theo sự áp đặt của cha mẹ thì mai mốt ra trường liệu có thể làm tốt công việc khi không yêu nghề? Hay rồi lại đi làm những công việc trái nghề, phí phạm bao năm công lao đèn sách, giống như hiện nay rất nhiều bạn trẻ ra trường, không kiếm được việc phải đi làm những nghề tay trái. Dĩ nhiên cũng có một số trường hợp thành đạt khi làm trái nghề nhưng rất hiếm và nhiều khi nhờ có được yếu tố may mắn hay có sự hỗ trợ nào đó.

… Đến áp lực xã hội

Áp lực của cha mẹ đối với con cái phải vào cho được ĐH đôi khi cũng từ áp lực xã hội, khi mà quan niệm đại chúng hiện nay lấy tiêu chuẩn “tốt nghiệp ĐH”. Thậm chí còn có câu cửa miệng của một số bạn trẻ thực dụng: “Phi ĐH bất thành phu phụ!”. Đây thật sự là quan niệm không đúng. Chính vị giáo sư toán học trẻ tuổi nổi tiếng thế giới Ngô Bảo Châu trong dịp về nước, nói chuyện với các bạn trẻ tại Hà Nội vừa qua cũng phát biểu rằng không nhất thiết phải có bằng ĐH mới thành công khi vào đời.

Thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, số người được học ĐH, CĐ rất hiếm. Nhưng vẫn có một số người đã vào ĐH, CĐ học một thời gian nhưng cảm thấy không phù hợp lại bỏ sang học ngành khác. Như hồi đầu thế kỷ 20, khoảng năm 1917-1918, Nguyễn An Ninh từ Sài Gòn ra Hà Nội học CĐ Y khoa. Nhưng học được hơn một năm, ông cảm thấy nghề y không phù hợp với cao vọng cứu dân cứu nước của mình, ông bèn bỏ trường y, sang Pháp học ngành luật để nắm được những kiến thức luật pháp nhằm đấu tranh với thực dân Pháp. Trong thời gian học luật tại Pháp, Nguyễn An Ninh tham gia các hoạt động đấu tranh chống Pháp công khai bằng báo chí cùng với những nhà ái quốc Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền, được gọi là nhóm “Ngũ Long”. Sau khi tốt nhiệp cử nhân luật năm 1922, Nguyễn An Ninh về nước làm báo Chuông Rè bằng tiếng Pháp công khai chống Pháp.

Tương tự là trường hợp GS Trần Văn Khê. Ban đầu ông ra Hà Nội học y khoa, được hơn một năm, thấy không hợp, năm 1940 ông sang Pháp học đúng ngành mình có năng khiếu là âm nhạc. Nhờ tìm học đúng sở trường mà ngày nay chúng ta mới có một GS Trần Văn Khê lẫy lừng thế giới.

Các bạn trẻ hôm nay đừng ngại ngùng khi đã lỡ chọn sai trường, sai ngành. Các bạn vẫn có thể chuyển sang học ngành phù hợp với mình. Ngay cả những nhân vật vĩ đại như hai vị nêu trên cũng đã có sự chọn lựa ngành học ban đầu không chính xác. Nhưng các vị ấy đã “sửa sai” bằng cách chuyển sang học đúng ngành mình yêu thích và có năng lực. Và họ đã thành công lẫy lừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm