Mỗi ngày hai buổi, kỹ thuật viên của Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM) lại triển khai các bài tập vận động giúp những bệnh nhân F0 cải thiện hô hấp, chức năng phổi sau khi bị tổn thương do COVID-19.
Đây đều là những bệnh nhân có bước tiến triển tốt trong điều trị. Các bài tập chủ yếu là vận động tay chân kết hợp với việc tập thở. Trong quá trình tập luyện, người nhà bệnh nhân có thể cùng tham gia để hướng dẫn người thân của mình tập tại giường.
Theo bác sĩ Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn và phụ trách khoa điều trị COVID -19, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (Quận 8, TPHCM), bệnh viện đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân trong đó có bệnh nhân đang nhiễm COVID-19 và sau COVID-19.
"Hiện tại bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị ICU ở các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM như Bệnh viện quận 8, Bệnh viện Nhà Bè, các bệnh viện dã chiến... để điều trị phục hồi chức năng, đa phần những bệnh nhân nặng mặc dù khi được chữa khỏi COVID-19, test âm tính, test PCR nhưng không thể đi lại bình thường do quá trình điều trị lâu dài, bệnh nhân bị teo cơ, cứng khớp, phổi đông đặc." - Bác sĩ Thanh cho biết thêm.
Kỹ thuật viên Phạm Ngô Lộc hướng dẫn ông Phan Văn Thành (64 tuổi) tập giãn cơ tay kết hợp thở. Ông cho biết sau hơn 2 tuần điều trị tại bệnh viện, ông đã thấy sức khỏe hồi phục đáng kể, ban đêm không còn khó thở nhiều.
Đối với những bệnh nhân có chỉ số SpO2 thấp, kỹ thuật viên sẽ đến trực tiếp giường để hướng dẫn bệnh nhân cách vận động. Bà Tô Thị Giày (64 tuổi, ngụ quận 8) nhập viện 3 tuần nay, vừa mới cai máy thở nên SpO2 của bà chưa ổn định. "Kỹ thuật viên khuyên tôi nên hướng ra ngoài trời nhiều hơn để cải thiện chức năng thở, những lúc tập luyện, SpO2 của tôi có thể tăng từ 80 tăng lên 90." - Bà Giày nói.
Đối với những bệnh nhân nặng nằm trong phòng hồi sức, y bác sĩ sẽ đến tận giường để hướng dẫn người bệnh. Cách vận động dành cho những bệnh nhân này thường là giúp vỗ rung, dẫn lưu tư thế cho bệnh nhân tống xuất bớt đờm, xoay trở chống loét.
Khi tình trạng bệnh nhân cải thiện, y bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng sau đó là tập bước từ 3 đến 6m.
Ngoài y bác sĩ, người thân của bệnh nhân có thể hỗ trợ F0 vận động thường xuyên sẽ góp phần cho họ phục hồi nhanh hơn. Phương pháp vỗ lưng thông đờm, giúp người bệnh dễ thở hơn.
Khi bệnh nhân tiến triển tốt, y bác sĩ sẽ được đưa bệnh nhân đến phòng đánh giá các chỉ số phục hồi.Theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, bệnh nhân vận động đạp xe với hai giai đoạn làm nóng người và gắng sức trong thời gian khoảng 4 phút. Trước đó, họ sẽ được gắn mặt nạ theo dõi hô hấp và dụng cụ đo các chỉ số của mạch. Thông qua màn hình hiển thị các chỉ số, y bác sĩ sẽ đánh giá lại quá trình tiến triển của bệnh nhân về sự trao đổi khí, mức độ tổn thương hô hấp. Đây cũng là khâu cuối cùng test lại sức khỏe trước khi bệnh nhân được xuất viện.
Thể trạng và quyết tâm sẽ quyết định thời gian phục hồi của mỗi người. Hôm nay là ngày đầu tiên bà Cổ Thị Hường (57 tuổi) thực hiện đánh giá chỉ số phục hồi. "Sau hơn 10 ngày nhập viện, nhờ thường xuyên tập luyện, sức khỏe của tôi dần cải thiện. Tôi đang cố gắng hết sức để mau chóng khỏe lại, trở về bên gia đình." - Bà Hường chia sẻ.