Ngày 15-4, hàng chục triệu cử tri Hàn Quốc đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước này vẫn còn nhiều phức tạp, đài Channel News Asia đưa tin.
Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên tổ chức một cuộc bầu cử cấp toàn quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho cử tri, một loạt các biện pháp được triển khai trong ngày bầu cử cũng như trong những chiến dịch vận động tranh cử trước đó.
Không được bầu cử nếu có triệu chứng bệnh
Một cuộc khảo sát do trang khảo sát Gallup thực hiện tuần trước cho thấy 27% người dân được hỏi không muốn đi bỏ phiếu do lo ngại dịch bệnh nhưng cũng có tới 72% nói rằng họ không hề lo lắng. Bằng chứng cho thấy từ ngày 10-4 đã có 11,7 triệu người bao gồm cả Tổng thống Moon Jae-in đã đi bỏ phiếu sớm.
Cuộc bầu cử chính thức bắt đầu từ 6 giờ sáng 15-4, với 43,9 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu.
Tại các điểm bỏ phiếu, tất cả mọi người đều phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt. Các cử tri cũng được yêu cầu đeo găng tay sau khi rửa tay bằng chất khử trùng và đứng cách xa nhau tối thiểu 1 m.
Ban tổ chức đã chuẩn bị những khu vực bỏ phiếu riêng dành cho cử tri có dấu hiệu sốt, hoặc khu vực dành cho người đang phải cách ly. Những khu vực này sau mỗi lượt người bỏ phiếu đều sẽ được phun xịt khử trùng.
Các cử tri chờ xếp hàng để bỏ phiếu tại một cuộc bỏ phiếu sớm ở ga Seoul, nằm ở trung tâm Seoul vào ngày 11-4. Ảnh: YONHAP
Những người tự cách ly tại nhà sẽ có 100 phút, bắt đầu từ 6 giờ tối để ra khỏi nhà và đi bỏ phiếu tại tám trạm bỏ phiếu đặc biệt được đặt ở trung tâm thành phố vào ngày 10-4. Điều lưu ý quy định này áp dụng với những người không có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào. Bất kỳ ai có các triệu chứng nhiễm bệnh sẽ bị tước quyền bỏ phiếu.
Ủy ban Bầu cử Hàn Quốc lập tám trạm bỏ phiếu dành riêng phục vụ hơn 3.000 bệnh nhân COVID-19 và 900 nhân viên y tế tại các khu vực có dịch nghiêm trọng như thủ đô Seoul và TP Daegu.
"Chúng ta đang tổ chức một cuộc bầu cử vào thời điểm rất khó khăn khi phải tuân thủ giãn cách xã hội và hoạt động kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng. Vì vậy hãy đến các điểm bỏ phiếu vào ngày mai và cho thấy quyền làm chủ đất nước của bạn” - Chủ tịch ủy ban bầu cử Kwon Soon-il cho biết hôm 14-4.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc bị virus SARS-CoV-2 tấn công. Trong một thời gian, Hàn Quốc đã có đợt bùng phát dịch lớn thứ hai thế giới. Sau đó, chính phủ nước này đã cho xét nghiệm hàng loạt và cách ly các nhóm nhiễm và nghi nhiễm đã giúp làm giảm số ca nhiễm bệnh.
Chiến dịch tranh cử năm nay cũng diễn ra khác hẳn so với mọi năm. Thay vì đi đến từng người dân để gửi danh thiếp, bắt tay mọi người, các ứng cử viên phải giữ khoảng cách với công dân.
Nhiều ứng viên thậm chí đã phải chuyển sang vận động tranh cử trên các trang mạng xã hội như Youtube và Instagram để kết nối với cử tri.
Tổng thống Moon có nhiều lợi thế
Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến sẽ có vào ngày 16-4.
Việc Tổng thống Moon Jae-in xử lý dịch bệnh tương đối nhanh chóng và hiệu quả lần này đã đem lại nhiều lợi thế cho ông trong cuộc bầu cử, nhiều nhà quan sát nhận định. Nhiều người còn cho rằng đây chính là cuộc trưng cầu dân ý về việc chỉ đạo chống dịch của tổng thống. Kết quả bầu cử cũng được cho sẽ có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thủ đô Seoul trong ngày bỏ phiếu sớm 11-4. Ảnh: YONHAP
Chỉ vài tháng trước, ông Moon đã bị các nhà phê bình tấn công vì tăng trưởng kinh tế trì trệ và cách tiếp cận quá mềm của ông đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, cách ông chỉ đạo chống dịch COVID-19 quyết liệt được đánh giá cao.
Những ngày gần đây, Hàn Quốc mỗi ngày chỉ ghi nhận không quá 40 trường hợp nhiễm COVID-19. Tính đến nay, Hàn Quốc đã có 10.591 ca nhiễm, trong đó 225 người tử vong.
Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Moon đã tăng từ 41% vào cuối tháng 1 lên 57% vào tuần trước, theo thăm dò của Gallup.
“Khi dịch COVID-19 mới bùng phát, nguy cơ người dân không ủng hộ chính phủ tăng lên. Tuy nhiên, khi đại dịch lây lan sang những nước khác và Hàn Quốc được đánh giá tương đối tốt trong chống dịch thì dịch bệnh lại trở thành lợi thế” - ông Hahn Kyu-sup, giáo sư truyền thông tại ĐH Quốc gia Seoul, nhận định.