Đớn đau mẹ mất 3 con do đuối nước ở Bình Chánh

(PLO)- Hai anh em trai ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh ở nhà trông nhau thì bị đuối nước thương tâm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Tôi về tới nơi, thấy hai đôi dép ở ao là tôi biết thôi rồi, xong rồi. Con mất hết rồi giờ tôi còn gì nữa đâu…” - chị Lê Thị Cum Bọ (40 tuổi, quê Tây Ninh, tạm trú xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) đớn đau nói trong nước mắt.

Mấy tháng trước, người mẹ này mất đi đứa con gần 2 tuổi ở ao nước gần nhà thì hôm qua, hai người con trai 15 và 6 tuổi cũng bị đuối nước ở đây.

Hai con ở nhà trông nhau và bị đuối nước

Chiều 11-9, chị Cum Bọ cùng chồng đi xuống huyện Bình Chánh làm giấy tờ. Ở nhà, hai con trai là LHT (15 tuổi) và LHT (6 tuổi) cùng chơi với nhau, anh trông em.

Chị Bọ khóc, ôm đôi dép của con trai lớn trong căn nhà tạm bợ. Ảnh: NT

Chị Bọ khóc, ôm đôi dép của con trai lớn trong căn nhà tạm bợ. Ảnh: NT

Khoảng 16 giờ 30 phút, chị Bọ điện cho con trai lớn, nói ở nhà ngoan, đừng mải chơi và lấy bánh mỳ ngọt để sẵn ăn kẻo đói bụng. Lúc 16 giờ, người em 6 tuổi có qua hàng xóm mua một chai nước uống rồi về.

Đến hơn 18 giờ, lo con lớn mải coi điện thoại, không tắm cho em và nấu cơm, chị Bọ điện lại nhưng không ai bắt máy. Người mẹ 40 tuổi điện hàng chục cuộc nhưng bất thành.

Nóng ruột, chị Bọ điện nhờ bà Út, hàng xóm qua nhà xem sao và nhận được câu trả lời: "Nhà tối om, cửa rào mở mà không thấy ai". “Tôi nói Út ơi, vào trong coi nó có ngủ quên không, sợ muỗi cắn. Bà Út đi vào cũng không có, chỉ thấy có chiếc điện thoại” - chị Bọ kể.

Ao nước nơi xảy ra vụ chết đuối là ao do người dân múc đất lên để tôn cao nền, không phải ao tự nhiên. Ảnh: NT

Ao nước nơi xảy ra vụ chết đuối là ao do người dân múc đất lên để tôn cao nền, không phải ao tự nhiên. Ảnh: NT

Lo lắng, chị Bọ nói “Út ra bờ ao coi nó có đứng ngoài không?...” Và được trả lời: “Mày nói gì kỳ vậy”. “Tôi nói chuyện chẳng lành Út ơi, tự nhiên nóng ruột nên nói ra như vậy” - chị Bọ buồn bã.

Hàng xóm sau đó đi kiểm tra, điện lại báo là: “Trời ơi, có một chiếc dép đó kìa, con mày có đi dép màu xanh không?” Lúc này, chị Bọ đang ở đường Mã Lò, cách nhà hơn chục km. Linh tính của một người mẹ, chị Bọ giục chồng chạy cho mau về nhà để “báo công an”. “Dọc đường có va vào xe của người ta. Vợ chồng tôi kể sự tình nên họ thương tình cho đi”.

Nơi ở xập xệ của gia đình bốn người. Ảnh: NT

Nơi ở xập xệ của gia đình bốn người. Ảnh: NT

“Về đến, tôi thấy bốn chiếc dép, thằng lớn mang dép tổ ong màu trắng, nhỏ mang dép xanh là tôi hết hồn biết rồi, xong rồi…” - người phụ nữ nấc nghẹn bỏ dở câu than thở.

Khổ càng thêm khổ

Chị Bọ nói hai con ở nhà, nhưng thực tế đây chỉ là một vài tấm tôn gác lên một số cây cọc, xung quanh không có tường bao, chỉ có hàng rào lưới b40 dùng quây ranh giới đất. Bên trong chỉ có chiếc xe máy là đáng giá. “Người thân thấy cảnh khổ nên cho ở nhờ, như coi đất cho người ta” - chị Bọ nói.

Hàng xóm đến chia sẻ nỗi đau với gia đình. Ảnh: NT

Hàng xóm đến chia sẻ nỗi đau với gia đình. Ảnh: NT

Xung quanh nhà là cơ man dây điện mà gia đình nhận về để bóc ra, đốt bỏ lấy lõi đồng bên trong. Gần đây, hàng hóa bán kém, người ta còn nợ tiền, trả nhỏ giọt lần vài trăm ngàn nên hai vợ chồng hết sức tằn tiện.

Cách nơi ăn, ngủ của cả nhà bốn người chừng mười bước chân là một ao nước rộng chừng vài chục mét vuông, sâu chừng 5 mét.

Cái ao này vài tháng trước, một người con gần hai tuổi của chị Bọ đã bị đuối nước. “Chuyện hồi năm ngoái, hôm đó cháu ở nhà mà bò ra ao lúc nào không ai hay…” - chị Bọ kể và cho biết sau đó có nói lấp ao đi mà chưa có điều kiện.

Đến gần 0 giờ ngày 12-9, thi thể của hai con chị Bọ được lực lượng chức năng tìm thấy. Ảnh: GĐCC

Đến gần 0 giờ ngày 12-9, thi thể của hai con chị Bọ được lực lượng chức năng tìm thấy. Ảnh: GĐCC

Hàng xóm gần đó kể, mấy đứa trẻ ngoan hiền, hiểu chuyện. Trường hợp ba mẹ đi làm vắng thì hai anh em tự ở nhà trông nhau, nấu cơm nước.

Riêng chị Bọ cũng y như cái tên, “Không có việc làm, chồng trước đã thôi, hiện ở với chồng sau mà không có nhà cửa, giấy tờ đăng ký chi cả”.

Do không có nơi ở ổn định, không đủ điều kiện, hai con của chị Bọ đều không được đến trường. Người con sau chậm nói. “Có thể anh trai thấy em đuối nước nên cứu và hai anh em cùng mất” - một hàng xóm suy đoán.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B (áo trắng), cùng đại diện các đoàn thể địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Cum Bọ. Ảnh: NT

Ông Nguyễn Thành Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B (áo trắng), cùng đại diện các đoàn thể địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Cum Bọ. Ảnh: NT

Chị Bọ cho biết hôm trước, người con lớn nói chở về quê ở Tây Ninh chơi. “Mẹ chở con về dưới rồi chiều mẹ lên lo công chuyện trên này, cho hai anh em chơi năm bữa nửa tháng, chừng nào buồn nhàm chán thì điện về rước lên. Nó đứng và nhảy với em, nói mẹ ơi cho con đi, cho con chơi, và đi khoe khắp xóm nói mai thứ 3, được về ngoại. Nó không biết chữ nhưng biết mấy chữ cái. Nó nhắn cho dì út một chữ T3. Tui coi tin nhắn tui nói với dì nó, dì nó nói sao mày biết, tôi nói tui nuôi nó 10 năm nay sao tui không biết” - người phụ nữ òa khóc nức nở giờ đưa con về ngoại mà đưa về lần cuối.

Trong sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thành Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B, cùng đại diện các đoàn thể địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Cum Bọ.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B chia sẻ đau thương của gia đình và yêu cầu các đoàn thể địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân vượt qua mất mát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm