Nhiều khách sạn thuộc phân khúc từ một đến ba sao tại Đà Nẵng đang rao bán, trong đó có nhiều khách sạn ven biển phía Đông Đà Nẵng. Nguyên nhân là do kinh doanh quá ế ẩm vì dịch COVID-19.
Trao đổi với PLO chiều 14-7, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, xác nhận tình trạng trên.
Hàng chục bản tin rao bán khách sạn tại Đà Nẵng mỗi ngày. Ảnh: TẤN VIỆT
Thực tế là trên một số trang mua bán nhà đất, hàng chục bản tin rao bán khách sạn, nhà nghỉ, homestay… tại Đà Nẵng được đăng mỗi ngày.
Đơn cử, một khách sạn ba sao, 12 tầng mặt tiền đường Hồ Xuân Hương (quận Ngũ Hành Sơn) đang được chủ nhân rao bán với giá 110 tỉ đồng. Một khách sạn ba sao khác trên đường Dương Đình Nghệ (quận Sơn Trà) cũng đang được rao bán với mức giá giảm “sập sàn” 41,7 tỉ đồng.
Theo ông Cao Trí Dũng, tình trạng này chỉ là hiện tượng tất yếu khi các cá nhân, tổ chức kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19.
“Nguồn khách không đủ. Khách sạn thì phải trả nợ, trả lương cho nhân viên. Nguồn khách dự kiến không đủ thì nhà đầu tư rút là bình thường. Việc này chủ yếu rơi vào phân khúc thấp, từ một đến ba sao. Phân khúc cao hơn vẫn kinh doanh được” - ông Dũng nói.
Tính đến hết năm 2019, Đà Nẵng có khoảng 1.000 khách sạn. Ảnh: TẤN VIỆT
Cũng theo ông Dũng, khách sạn từ một đến ba sao tại Đà Nẵng đang có dấu hiệu dư thừa. Trong khi nguồn khách thuộc phân khúc thấp này được định vị là không còn tốt nữa.
“Nguồn khách đến Đà Nẵng đã tăng ở những phân khúc cao hơn. Trước đây họ tập trung nhiều vào phân khúc một đến ba sao. Ngày nay do mức sống cao, chi tiêu cao nên có sự dịch chuyển” - ông Dũng nói.
Theo thống kê đến cuối năm 2019, tại Đà Nẵng có khoảng 1.000 khách sạn với hơn 40.000 phòng. Từ năm 2016 đến 2019, mỗi năm tại Đà Nẵng tăng gần 5.000 phòng khách sạn.
Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, số lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ ước tính sáu tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1.660 ngàn lượt, giảm 49,1% so với cùng kỳ 2019
Trong đó, khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt 627 ngàn lượt, giảm 46,2%. Khách trong nước ước đạt 1.033 ngàn lượt, giảm 50,7%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống sáu tháng đầu năm 2020 ước đạt 6.858 tỉ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ 2019.