Đại dịch COVID-19 có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn, rối loạn và xung đột trên thế giới, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nói lên lo lắng của mình ngày 31-3, theo kênh CNA.
Ông Guterres cho rằng đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là "một dịch bệnh đại diện cho mối nguy cơ của mọi người trên thế giới". Ông cũng lo lắng "tác động kinh tế sẽ dẫn đến cuộc suy thoái mà có lẽ chưa từng có trong giai đoạn lịch sử gần đây".
Theo ông, "sự kết hợp của hai thực tế (dịch bệnh và tác động kinh tế - PV) có nguy cơ góp phần gia tăng tình trạng bất ổn, rối loạn và xung đột" trên thế giới. Đây là những lý do khiến đại dịch COVID-19 trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ đến như vậy.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: TWITTER
Ông Guterres nhấn mạnh những người thất nghiệp, những người dân tham gia các hoạt động kinh tế không chính thức và những công ty nhỏ bị phá sản do dịch bệnh đang là những đối tượng dễ bị tác động nhất trong cuộc khủng hoảng này.
Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng cho rằng thế giới chỉ có thể cùng nhau đưa ra "một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn" nếu mọi người đoàn kết, bỏ qua các trò chơi chính trị và cùng hiểu rằng toàn nhân loại đang bị đe dọa.
Tuy nhiên, "còn lâu nữa chúng ta mới có được một gói giải pháp toàn cầu để giúp thế giới thiết lập các điều kiện để vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa giải quyết các hậu quả nghiêm trọng của nó", ông Guterres nói.
Về cách thế giới đang hành động, ông Guterres cho rằng "chúng ta đang dần đi đúng hướng một cách chậm rãi nhưng cần tăng tốc và cần làm nhiều hơn nữa nếu muốn đánh bại chủng virus này".
Ngày 31-3, LHQ đã đưa ra một gói giải pháp hỗ trợ tài chính các quốc gia đang phát triển sau khi đã giúp đỡ các nước nghèo nhất thế giới hồi tuần trước.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng bên cạnh các hỗ trợ tài chính riêng của các nước giàu, tổ chức "cần có những công cụ tài chính sáng tạo" để giúp các nước đang phát triển ứng phó được với cuộc khủng hoảng này.
Ông Guterres cũng cảnh báo các nước giàu cần cảnh giác bởi vì nếu không hỗ trợ các nước nghèo hơn, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục và có thể khiến hàng triệu người dân ở các nước giàu tử vong.
Tính đến 11 giờ trưa 1-4, toàn thế giới đã có gần 859.000 ca nhiễm COVID-19, hơn 42.150 trường hợp tử vong và 178.100 bệnh nhân đã được chữa khỏi, theo chuyên trang theo dõi số liệu Worldometers.
Hiện nay, đa phần các ca bệnh đang tập trung ở các nước đã phát triển ở châu Âu và Mỹ nhưng dịch bệnh đã lây lan sang cả các nước nghèo và kém phát triển hơn ở châu Phi, cũng như các nước đang có xung đột ở Trung Đông-Bắc Phi.