Nhật báo Yeni Safak (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin quân đội nước này đang cân nhắc khả năng mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga theo sự chào hàng của Công ty quốc phòng Nga Rosoboronexport. Theo thông tin từ Reni Sajak, các lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu ban chủ tịch Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Tư lệnh không quân và một số cơ quan liên quan quốc phòng của nước này nghiên cứu ra đánh giá về khả năng mua Su-35 của Nga thay thế F-35 của Mỹ.
Nếu kế hoạch mua Su-35 nhận được phản hồi tích cực thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bật đèn xanh tiến hành thương lượng trực tiếp với phía Nga.
Công ty Rosoboroerport đề nghị bán Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh truyền thông đưa tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể cân nhắc phương án này vì gặp rắc rối trong quá trình mua tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ.
“Nếu các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi cho thấy có sự quan tâm, chúng tôi sẵn sàng bàn về chuyện chuyển giao Su-35” - hãng tin TASS (Nga) dẫn lời ông Sergei Chemezov, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Rostec của Nga, tập đoàn mẹ của Công ty Rosoboronexport.
Nằm trong dự đoán
Hiện chưa có tuyên bố chính thức từ phía quân đội hay chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng thống Erdogan sẽ cân nhắc đề nghị của phía Nga. Ông Erdogan đánh giá đây là một chủ đề quan trọng và sẽ ra tuyên bố chính thức về chuyện này.
Công ty Rosoboroerport đề nghị bán Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: SPUTNIK
Trong một bài viết trên National Interest, nhà báo Michael Peck - một chuyên gia về khoa học chính trị và là cây viết kỳ cựu về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia cho rằng chuyện Nga đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-35 hoàn toàn nằm trong dự đoán. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Mỹ thì đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.
Mỹ nói hệ thống S-400 không tương thích và gây rủi ro cho F-35 và đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ để thay thế S-400. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từ chối với lý do rằng đề nghị của Nga về S-400 tốt hơn và Thổ Nhĩ Kỳ rất cần S-400 cho nhu cầu an ninh quốc gia của mình.
Không thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã ngưng chuyển giao tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và ngưng huấn luyện phi công nước này sử dụng F-35. Bất đồng quanh chuyện S-400 và F-35 gây căng thẳng lớn trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, Mỹ còn đe dọa trừng phạt và khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO.
Viễn cảnh đáng sợ khi Thổ Nhĩ Kỳ của Su-35
Vậy liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thật sự mua Su-35 của Nga thay F-35 của Mỹ?
F-35 là thế hệ tiêm kích thứ năm và Nga có một sản phẩm tương đương, là Su-57. Còn Su-35 được phát triển dựa trên phiên bản Su-27 Flanker từ thời chiến tranh lạnh và được xem có năng lực tương đương thế hệ máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 của Mỹ. Su-35 có năng lực tương đương với máy bay chiến đấu đa chức năng F/A-18 Super Hornet của Mỹ, Eurofighter Typhoon của nhóm nước châu Âu và Rafale của Pháp. Su-35 được đánh giá nhanh nhẹn hơn F-35 nhưng thiếu năng lực tàng hình Lightning II như F-35, kém hơn về năng lực cảm biến và mạng lưới dữ liệu.
Các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35S, Su-34, T-50 bay cùng nhau. Ảnh: SPUTNIK
Su-35 được Không quân Nga phát triển năm 2015. Theo nhà báo Michael Peck thì đã có 105 chiếc Su-35 được sản xuất, 81 chiếc trong đó dành cho Nga và 24 chiến được xuất khẩu sang Trung Quốc. Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua 11 chiếc Su-35 nhưng chưa được chuyển giao. Việc Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - trở thành khách hàng mua Su-35 không chỉ có lợi cho kinh tế Nga mà còn là chiến thắng ngoại giao của nước này.
Tuy nhiên. việc hợp nhất hoạt động của máy bay chiến đấu Nga vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vốn sử dụng nhiều thiết bị quân sự phương Tây, như F-16, sẽ không dễ dàng. Đã có một số lo ngại được đặt ra, chưa nói đến những rắc rối khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc tập trận chung với các thành viên NATO khác.
Nhà phân tích hàng không Mỹ Richard Aboulafia cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-35 là một viễn cảnh đáng sợ. Su-35 không thể sáp nhập vào mạng lưới phòng không của NATO và sẽ không thể chia sẻ dữ liệu với mạng lưới máy bay quân sự còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu đi theo con đường này thì khoảng cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO sẽ bị đào sâu hơn, thậm chí có thể Thổ Nhĩ Kỳ phải rời khỏi NATO, theo nhà phân tích Aboulafia.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự phát triển tiêm kích như F-35?
Theo nhà báo Michael Peck, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cân nhắc đến phương án TF-X -một dự án nội địa phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được hợp tác giữa cơ quan Công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ và Công ty quốc phòng BAE của Anh. Dự án phát triển máy bay chiến đấu TF-X - một dạng như F-35 - được cho sẽ được đi vào thực hiện vào khoảng năm 2025.
Lĩnh vực quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển, với các xe tăng, tên lửa nội địa và thậm chí máy bay chiến đấu không người lái nội địa. Tuy nhiên, việc phát triển được một tiêm kích chiến đấu như F-35 là hoàn toàn khác. Mỹ, Nga, Trung Quốc phát triển thế hệ máy bay chiến đấu thứ năm với một khoản chi phí khổng lồ, mà tới thời điểm này khả năng chiến đấu hiệu quả trên chiến trường của chúng vẫn chưa thể được chứng minh hoàn toàn.
Chương trình F-35 của Mỹ ngốn một khoản chi phí khổng lồ. Ảnh: CHANNEL3000.COM
Dù Thổ Nhĩ Kỳ có chịu được khoản chi phí này đi nữa thì quá trình phát triển cũng quá tầm khi máy bay thế hệ thứ năm như F-35 là một sản phẩm gồm các bộ phận tiên tiến: Từ sườn máy bay, đến tên lửa, bộ phận cảm biến, tầng liên kết dữ liệu. Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng sản xuất được tất cả bộ phận này và khả năng lớn cũng không thể mua được tất cả chúng từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Có thể nói mua Su-35 của Nga có thể thỏa mãn được nhu cầu về ngắn hạn của Thổ Nhĩ Kỳ là có được dàn máy bay mới thay thế dàn máy bay chiến đấu F-16 cũ. Tuy nhiên, phương án này sẽ không giải quyết được tương lai không lực của Thổ Nhĩ Kỳ về dài hạn, nhà báo Michael Peck nhận định.