Vòng luẩn quẩn của VFF với thầy ngoại

Lần đầu tiên, sau hơn bốn năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông thầy người Hàn Quốc đang phải đối diện với sức ép nặng nề từ nhiều giới vì bốn trận toàn thua tại vòng loại cuối cúp thế giới. 

Bóng đá Việt Nam còn quá ít tài năng trẻ được phát hiện kiểu như
Phan Văn Đức. Ảnh: ND

Không hiểu sao nhiều người vẫn khó khăn khi thông cảm cho thầy trò ông Park dù biết sân chơi này quá tầm khi đụng độ các đối thủ mạnh hơn và đầu tư hơn hẳn mình.

Nguyên nhân có lẽ giới hâm mộ Việt Nam đã quen với những chiến thắng của HLV Park Hang-seo ngay từ giải đấu lớn đầu tiên đã giành ngôi á quân U-23 châu Á hồi đầu năm 2018. Rồi kéo dài cho đến chiếc huy chương vàng SEA Games 2019 chờ đợi ròng rã. Ở khoảng giữa của hai chiến tích ấy, ông Park liên tục thắng ở AFF Cup sau 10 năm, vào tứ kết Asian Cup 2019, bán kết Asiad 18. Ông cũng là nhà cầm quân ngoại đầu tiên giúp đội tuyển quốc gia đoạt vé chơi vòng loại cuối World Cup khiến giới đam mê bóng đá thần tượng ông như người hùng.

Thế rồi suốt thời gian dài không bóng đá quốc tế bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, những trận thắng ở vòng loại thứ hai cúp thế giới bị lu mờ do bốn trận thua trong cuộc chơi tiếp theo khó hơn bội phần.

Ông thầy Hàn bị nặng nhẹ với thành tích không như ý muốn của đội tuyển Việt Nam nhưng rất ít người chịu nhìn vào tay ông đang có gì và tâm tư ông đang cần gì?

Rõ ràng sau chu kỳ bốn năm của một thế hệ, thầy Park bị hụt hẫng lực lượng kế thừa rất lớn, theo kiểu tre già mà măng chưa mọc.

Hợp đồng của HLV Park Hang-seo vừa tự động gia hạn thêm một năm, là đến tháng 1-2023 và trong thời gian còn lại, trách nhiệm của thầy Hàn còn rất nặng nề. Có một chi tiết cười ra nước mắt khi ông Park thống kê các đời thầy ngoại tiền nhiệm của ông chỉ tồn tại với bóng đá Việt Nam khoảng tám tháng và ban đầu, ông mong mỏi gắn bó môi trường mới trong một năm là mãn nguyện. Nhưng cuối cùng bản hợp đồng của ông kéo dài đến năm thứ tư, thứ năm chứng tỏ thành công của thầy Park là vượt ngoài mong đợi của cá nhân ông lẫn VFF.

Bóng đá Việt Nam đã thực hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 vào top 10 châu Á và dự vòng chung kết World Cup 2026 nhưng đến nay vẫn đang chăm chăm vào thế hệ đội tuyển hơn là làm nền móng cho cầu thủ trẻ kế thừa.

Hơn 20 năm qua, tiếc cho bóng đá Việt Nam khi cứ mải sa đà vào vòng luẩn quẩn thành tích trước mắt mà chưa thể thoát ra khỏi quan niệm “xây nhà từ nóc” như cố HLV Riedl từng nhận xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm