Gửi thư đến báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều bạn đọc phản ánh việc mình bị mất xe khi gửi tại bãi giữ xe của các hàng quán mà mình đến ăn uống. Chủ quán không chịu bồi thường mà cứ đẩy vụ việc qua các công ty bảo vệ hoặc cá nhân người giữ xe. Nhiều nạn nhân phải tới lui nhiều lần mà vẫn không có kết quả.
Ông Lý Thành Dinh (194/19/35 Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: Tối 2-12-2010, ông cùng nhóm bạn, trong đó có một Việt kiều Mỹ đi xe SH đến quán 143 ở Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh để ăn tối. Đến khi ra về thì chiếc SH của người Việt kiều thuê để đi lại trong thời gian ở VN đã không cánh mà bay. Do cần lấy lại giấy tờ tùy thân đã thế chấp khi thuê xe để người này xuất cảnh đúng hạn nên ông Dinh và những người đi cùng đã góp tiền đền cho chủ xe.
“Việc mất xe đã rõ nhưng quán không chịu bồi thường với lý do đã giao bãi xe cho một cá nhân quản lý nên trách nhiệm bồi thường xe thuộc về người này. Nhưng khi tới quán thì tôi chỉ biết quán chứ đâu biết quán thuê đơn vị nào giữ xe. Sao quán lại yêu cầu tôi liên hệ với một cá nhân không rõ lai lịch để được bồi thường?” - ông Dinh bức xúc.
Tương tự, anh Quan Chí Hiếu (107/2 Lê Đại Hành, phường 6, quận 11, TP.HCM) cũng bị mất chiếc Attila khi vào uống cà phê ở quán Mimosa nằm trên đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 vào ngày 17-1. Sau khi bị mất xe, chủ quán yêu cầu anh liên hệ với Công ty Chính Long là đơn vị được quán thuê giữ xe cho khách để được bồi thường. Sau nhiều lần thương lượng, hẹn tới hẹn lui, công ty này vẫn chưa bồi thường. Anh Hiếu liên hệ lại với quán cà phê thì đại diện của quán hứa nếu công ty trên không đền thì quán sẽ đền cho anh vào đầu tháng 3 này, rồi sẽ làm việc với công ty vệ sĩ sau. Tới hẹn, đại diện của quán này lại hẹn nữa và đến nay anh Hiếu vẫn chưa được bồi thường.
Ông Tô Đang Trường, Phó Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Nhà hàng 143, cho biết công ty đã ký hợp đồng với ông Phạm Văn Chung để ông này bảo vệ tài sản tại quán trong đó bao gồm việc giữ xe. Ông Trường đưa ra một bản hợp đồng, trong đó người đứng tên trong hợp đồng với công ty là ông Phạm Văn Chung, tạm trú tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), còn người ký xác nhận ở cuối hợp đồng lại là Phạm Quang Trung. Riêng ông Tô Huy Tiếp, quản lý quán cà phê Mimosa thì cho biết ông đang đi công tác xa nên chưa thể bồi thường cho khách hàng như đã hứa. Ít bữa nữa về lại TP.HCM, ông sẽ bồi thường cho khách hàng.
Chủ quán phải bồi thường Khi gửi xe cho người của quán thì giữa khách hàng và chủ quán phát sinh quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản được quy định tại Điều 559 Bộ luật Dân sự. Cụ thể, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. Khi xe mất, trách nhiệm bồi thường thuộc về bên giữ tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 562 Bộ luật Dân sự. Khi đến ăn uống, khách hàng chỉ biết người giữ xe là người của quán. Còn việc chủ quán thuê đơn vị hay nhân viên nào của quán giữ là việc của chủ quán, khách hàng không thể biết và không cần phải biết. Việc bồi thường cho khách hàng là trách nhiệm của chủ quán, nếu không thương lượng được thì khách hàng có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Luật sư MAI TRUNG TÍN (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
MINH HIẾU