TỔ QUỐC GIỮA TRÙNG KHƠI - BÀI 3:

Xin đừng vội nói lời chia tay

Tháng 5, mùa biển đẹp. Cơn giông đầu mùa thỉnh thoảng tạo nên từng lớp sóng bạc nối đuôi nhau đến tận chân trời. Những ngày này anh em chiến sĩ nhà giàn cảm thấy rộn ràng, hạnh phúc nhất trong năm: Nhiều đoàn ghé thăm, bữa cơm hằng ngày không phải vất vả, vội vàng.

Nhưng trong hội ngộ đã tiềm ẩn chia ly, khi khách lên tàu ra về, bữa cơm kế tiếp trên nhà giàn mọi người không buồn chọc đũa…   

Bất động suốt bữa cơm

Hôm chúng tôi ghé thăm nhà giàn DK1/9, con tàu trực HQ 935 cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị nhổ neo rời bãi cạn Ba Kè về lại đất liền. Đêm trước, trong buổi cơm chiều, anh em nhà giàn mang những ly rượu ít ỏi - quà tặng của đất liền - ra đãi khách. Một thành viên trong đoàn đứng dậy nói lời cám ơn, mời mọi người cạn chén thay lời chia tay với biết bao tình cảm dạt dào.

Bất ngờ, Đại úy Lê Quang Ninh, Chỉ huy trưởng nhà giàn, đứng lên. Thay vì cạn chén, anh nói mà như khóc: “Xin các anh đừng vội nói lời chia tay. Còn mãi tận đến ngày mai kia mà. Hôm nay chúng ta chỉ ăn cơm, nói chuyện vui vẻ với nhau thôi. Nếu đồng ý xin mời các anh cạn chén…”.

Im lặng. 1 phút, 2 phút trôi qua. Chỉ nghe sóng biển rạt rào. Trên mắt nhiều anh em chiến sĩ nhà giàn ngân ngấn nước. Người vừa nói câu chia tay chưa kịp hiểu. Chúng tôi cũng chưa kịp hiểu. Đại úy Ninh đưa tay đè ngực rồi nói giọng nghẹn ngào: “Không có hạnh phúc nào bằng khi anh em trên nhà giàn chúng tôi được các anh ghé thăm. Mình nói vội lời chia tay làm sao đêm nay anh em ngủ được. Thôi, mời các anh cạn chén mừng bữa cơm hội ngộ…”.

Xin đừng vội nói lời chia tay ảnh 1

Không cập xuồng nhỏ được, đoàn từ đất liền ra thăm chiến sĩ nhà giàn DK1 quyết định “đu dây” để lên giàn. Trong ảnh: Phóng viên My Lăng (báo Tuổi Trẻ) đang được các anh em chiến sĩ nhà giàn DK1/16 kéo dây lên giàn.

Ngồi kế bên tôi, Đại úy-Chính trị viên tàu HQ 935 Phạm Ngọc Quý nói: “Các anh đến thăm như mang hơi ấm từ đất liền ra với biển. Anh em ở đây quý lắm, hơn mọi lời lẽ tỏ bày hoặc quà cáp quý giá nào. Các anh lỡ nói lời chia tay sớm khiến anh em buồn dữ lắm!”. Tôi ngước nhìn lên, lúc này Đại úy Ninh đã lại nói cười, đồng nghiệp vừa nói câu chia tay lúc nãy đưa ly chuộc lỗi, cũng bằng giọng nghẹn ngào. Giây phút ấy không còn nhận ra chủ - khách. Chỉ có gió biển lùa vào nhà giàn làm át tiếng ghita.     

Trưa hôm sau, qua điện thoại, Đại úy Ninh cố nói giọng thật bình thản nhưng dường như sóng điện thoại cứ mãi chập chờn, rằng anh em trên nhà giàn đã ngồi bất động suốt bữa cơm, chẳng ai buồn chọc đũa.

Mùa thèm hơi ấm đất liền

Trong chuyến hải trình, chỉ có một lần sóng lớn khiến tàu không thể thả xuồng để đoàn lên nhà giàn thăm anh em chiến sĩ. Trên nhà, anh em dùng dây cột ngang một miếng gỗ thả xuống mũi tàu, từng người một ngồi lên miếng gỗ và đu dây để anh em kéo lên. “Sóng cỡ này là bình thường. Mùa biển động anh em chúng tôi chỉ còn biết quăng dây bọc hàng vào túi nhựa kéo lên nhà, còn người thì… tất cả đều đứng nhìn rưng rưng nước mắt” - một chiến sĩ nói.

Xin đừng vội nói lời chia tay ảnh 2

Những cánh thư từ đất liền là niềm vui rất lớn mà các chiến sĩ ngoài khơi luôn trông đợi. Trong ảnh: Trung úy Nguyễn Tiến Long, Chỉ huy phó nhà giàn DK1/16, đang đọc thư vợ.

Thiếu tá Trần Sĩ Hoành, Chính trị viên nhà giàn DK1/9, nói mùa biển động là mùa anh em buồn nhất. “Mối liên hệ duy nhất với đất liền lúc ấy chỉ là với con tàu trực. Nhưng tàu trực thì có khác gì chúng tôi, vẫn lênh đênh mấy tháng trời trên biển”. Thiếu tá Hoành kể vào mùa biển động hầu như không có đoàn công tác ở đất liền nào ghé thăm vì sóng to gió lớn. Mà nếu có, người dưới tàu và người trên nhà giàn cũng chỉ nhìn nhau từ xa, có nói với nhau cũng chỉ qua máy bộ đàm mà phải hét to để át tiếng ầm ào của sóng. “Gần tết cũng có một, hai đoàn cán bộ ra nhà giàn chúc tết nhưng không phải lúc nào anh em cũng lên được trên nhà. Có khi những chậu mai vàng phải ràng rịt chặt trong túi nhựa để kéo qua dây nhưng lên đến nơi thì chỉ còn dăm ba búp”.

Mùa biển động cũng là mùa anh em chiến sĩ nhà giàn (và cả nhà tàu) ăn cơm cực nhất. “Chúng tôi toàn phải ăn cơm theo kiểu tổ ong mới được”. Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của tôi, Trung úy Cao Đức Cảnh, Chính trị viên nhà giàn DK1/7, cười giải thích: “Những ngày đấy sóng lớn khiếp lắm, có lúc cột sóng đánh cao đến tận tầng trên của nhà, không phải có cảm giác mà là thấy rõ nhà giàn đung đưa như võng. Đồ đạc bắt đầu “rong chơi” trong nhà. Gặp phải lúc như thế, mâm cơm không tài nào dọn lên được vì bị khua đổ hết, anh em chỉ còn biết cầm chắc mỗi người mỗi chén. Mà có dọn lên được thì mỗi người phải vừa ăn vừa giữ đĩa, giữ nồi. Lúc đó cả nhà phải ngồi đan chân theo thế chân kiềng, chân người này cặp vào chân người kia, chân người kia cặp vào chân người khác. Vậy là mỗi người sẽ cho đồng đội mình một điểm tựa, cùng tựa vào nhau để ăn cơm, để bám biển, bám nhà giàn”.

Xin đừng vội nói lời chia tay ảnh 3

Qua điện thoại, khoảng cách giữa nhà giàn với đất liền như ngắn lại.

Cuộc sống trên biển từ những bữa ăn như thế đã hình thành nên chất keo gắn kết các anh em chiến sĩ nhà giàn lại với nhau hơn bao giờ hết. “Nhất là khi phải đối đầu với hiểm nguy của biển cả, tinh thần như sức mạnh giúp chúng tôi thêm vững vàng để ngày đêm canh giữ những cột mốc chủ quyền Tổ quốc” - Trung úy Cảnh nói.

Hoãn cưới hai lần vì sóng lớn

Việc cưới xin của chiến sĩ nhà giàn có những chuyện cười ra nước mắt. Anh em ở nhà giàn DK1/7 vẫn còn nhớ mãi chuyện cưới vợ hụt đến hai lần của chiến sĩ Vũ Hữu Tùng (quê Thái Bình). Sau khi quen người yêu hai năm, gia đình hai bên chọn ngày 26-12-2007 sẽ làm đám cưới. Ở nhà, hai gia đình đã chuẩn bị xong mọi chuyện, thiệp mời đã phát, tiệc cũng đã được đặt, chỉ còn một việc duy nhất là chú rể về nhà. Nhưng trên chuyến tàu ra đón anh về hôm ấy, do nhiệm vụ đột xuất, Tùng phải tiếp tục chuyển sang một nhà giàn khác mà không được về. Đám cưới phải hoãn.

Theo hẹn, đến ngày ấy tháng ấy năm sau hôn lễ sẽ được tiến hành. Lần này Tùng chắc mẩm mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Nhưng oái oăm thay, đến ngày Tùng rời nhà giàn về quê thì biển trở mình động mạnh, tàu không thể cập vào nhà giàn đón anh về được. Khi bão tan, ngày cưới vợ đã cận kề, chú rể có muốn về nhà chỉ còn nước đi bằng máy bay mới kịp. Vậy là một lần nữa đám cưới phải dời thêm… một năm. Mãi đến cuối năm 2009 vừa rồi Tùng mới được chính thức làm chú rể. “Điều hạnh phúc nhất là qua những lần hoãn cưới ấy, vợ em vẫn nói chắc rằng anh cứ lo hoàn thành nhiệm vụ, ở nhà em quyết sẽ chờ. Đó cũng là động lực giúp anh em nhà giàn luôn vững tin vào hậu phương quê nhà để yên tâm làm nhiệm vụ” - Tùng nói.

THÁI BÌNH - MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm