Sáng 28-5, đoàn công tác Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đến ga Núi Thành, tỉnh Quảng Nam kiểm tra hiện trường vụ tai nạn hai tàu hỏa đâm nhau xảy ra chiều 26-5.
Tai nạn xảy ra như chỗ… không có ca trực
Báo cáo với Bộ trưởng GTVT, ông Dương Văn Minh, Trưởng ga Núi Thành, cho hay qua tường trình của kíp trực, đơn vị đã bước đầu xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Theo đó, trước thời điểm xảy ra tai nạn, lái tàu hàng 2469 đã tự ý nổ máy, dịch chuyển ra ngoài mốc tránh va chạm giữa đường ray số 2 và 3 khi ga Núi Thành đang đón tàu hàng ASY2 và đã xảy ra tai nạn. “Đại diện ca trực, gác ghi cho biết khi phát hiện sự việc đã thổi còi, cảnh báo nhưng không ngăn chặn kịp” - ông Minh nói.
Ông Minh cho hay ngoài đường ray số 2 đã thông tuyến từ chiều 27-5, hai đường ray còn lại đang tiếp tục sửa chữa. Riêng đường ray số 3, các toa xe hàng, đầu máy… vẫn ngổn ngang.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, ga Núi Thành đã không tuân thủ quy định ngừng chuyển động trong lúc đón tàu khác. Ông cũng cho rằng vụ việc vừa qua là rất nghiêm trọng, xảy ra ban ngày và ngay trong ga. “Tôi có cảm giác vụ tai nạn như ở chỗ không có ca trực. Ga báo cáo thao tác đầy đủ nhưng tại sao không phát hiện tàu hàng nằm chờ vẫn nổ máy. Ai cho anh nổ máy khi buộc ngưng chuyển động?” - Bộ trưởng Thể truy vấn.
Bộ trưởng Thể yêu cầu các bên liên quan xác định rõ trách nhiệm của ca trực, các đơn vị chức năng trong ngành, không đổ lỗi. “Ga phải chủ động kiểm tra nội bộ, phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ” - Bộ trưởng Thể nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra hiện trường vụ hai tàu hỏa tông nhau tại ga Núi Thành ngày 28-5. Ảnh: XH
Hiện trường vụ TNGT tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày 24-5. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Chủ quan của nhân viên đường sắt
Cùng ngày, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Giám đốc Tổng Công ty đường sắt (TCTĐS) Việt Nam, cho biết qua bốn vụ tai nạn đường sắt vừa qua (một vụ ở Thanh Hóa, một vụ ở Quảng Nam, một vụ ở Nghệ An - Hà Tĩnh và một vụ ở Nghệ An) thì vụ ở Nghệ An nguyên nhân là tài xế xe bồn không tuân thủ việc lái xe an toàn; ba vụ còn lại nguyên nhân xác định ban đầu là do chủ quan của nhân viên đường sắt.
“Còn phân tích cụ thể chi tiết, do trách nhiệm bộ phận nào, tổng công ty đang thu thập hồ sơ. Riêng vụ ở Thanh Hóa, cơ quan công an cũng khởi tố rồi, cái đó công an sẽ làm rõ nguyên nhân cụ thể do bộ phận nào. Hai vụ ở Nghệ An - Hà Tĩnh và ở Quảng Nam, tổng công ty đang lập hồ sơ và một vài ngày nữa sẽ phân tích để xác định trực tiếp là do chủ thể nào” - ông Hoạch nói.
Ngày 28-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm để xảy ra các vụ tai nạn trên. Tổng hợp báo cáo các vụ tai nạn giao thông đường sắt từ đầu năm 2018 do nguyên nhân chủ quan gây ra; phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, công minh các vi phạm để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện. Rà soát các quy định của pháp luật về công tác tổ chức chạy tàu hiện có để điều chỉnh, bổ sung chặt chẽ hơn. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tai nạn đường sắt do chủ quan. |
Về các giải pháp ngăn chặn triệt để tai nạn đường sắt, ông Hoạch nói giải pháp đầu tiên là khắc phục nguyên nhân chủ quan. “Phải xem xét ý thức chấp hành quy trình, quy phạm của người lao động tham gia trực tiếp làm công tác chạy tàu, gồm các nhân viên ở nhà ga, nhân viên cảnh giới đường ngang, nhân viên lái máy và các nhân viên khác... Những quy trình, quy phạm của chạy tàu là một hệ thống chặt chẽ, yêu cầu mọi người phải tuân thủ” - ông Hoạch nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi người lao động không tuân thủ quy trình thì cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Hoạch nói: “Những đơn vị quản lý trực tiếp người lao động và cơ quan kiểm tra, giám sát, đôn đốc... Cái này phải rà soát lại hết từ trách nhiệm tổng công ty cho đến những người lao động để làm rõ khâu nào là khâu xung yếu để nhắc nhở tất cả bộ phận phải siết chặt lại”.
Ông Hoạch cũng cho biết phần lớn quy trình vận hành hiện nay của ngành đường sắt là do con người làm thủ công. Do đó phải có giải pháp về công nghệ để kiểm soát con người. “Tổng công ty đặt ra chương trình nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như ứng dụng giám sát chạy tàu, giám sát bằng hình ảnh truyền về trung tâm để kiểm tra các đơn vị quản lý, phòng trực ban…” - ông Hoạch cho biết.
Ông Hoạch cũng cho rằng hạ tầng đường sắt hiện rất yếu kém, lạc hậu, cần phải đầu tư. Ví dụ, hiện nay có hơn 1.500 đường ngang, phần lớn là đường ngang không có người gác và không thể gác hết tất cả đường ngang được. “Vì vậy phải lắp các tín hiệu, thiết bị cảnh báo tự động, cần chắn tự động. Phải có biện pháp xóa bỏ những lối đi tự mở. Cái chính là cái lối đi tự mở xảy ra va chạm nhiều nhất. Trên 80% va chạm xảy ra ở lối đi tự mở” - ông Hoạch nói.
Ông Hoạch cho biết hiện tổng công ty có dự án dành 2.500 tỉ đồng để bảo trì, duy tu chất lượng đường sắt; đang đề xuất đề án đầu tư 7.000 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp những đoạn đường sơ yếu.
Bộ GTVT nghiêm túc rút kinh nghiệm Chiều 28-5, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong ngành đường sắt để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Cuộc họp không cho các nhà báo tham dự. Theo thông tin báo chí của Bộ GTVT, về nguyên nhân chủ quan để xảy ra các vụ tai nạn, báo cáo của TCTĐS Việt Nam cho thấy hiện vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn đường sắt; một số đơn vị đường sắt chưa chủ động trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương về thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, TP có đường sắt về đảm bảo ATGT tại các vị trí giao cắt. Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chạy tàu đảm bảo ATGT đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; đặc biệt là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế, chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu thực tiễn hiện trường. Về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT nghiêm túc rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là TCTĐS Việt Nam triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiếu TNGT đường sắt trong thời gian tới. Bộ GTVT đã yêu cầu TCTĐS Việt Nam nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vụ TNGT đường sắt nói trên; xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị trực thuộc để xảy ra mất ATGT đường sắt do nguyên nhân chủ quan gây ra. 4 vụ tai nạn nghiêm trọng Hồi 0 giờ 30 ngày 24-5, đoàn tàu SE19 khi đến đường ngang có gác thuộc khu gian Khoa Trường-Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đã va chạm với xe tải chở đá 37C-151.38. Vụ tai nạn làm đầu máy và sáu toa xe bị đổ lật, trật bánh và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng; làm hai người tử vong và 10 người bị thương. Hồi 16 giờ 18 ngày 26-5, tàu hàng ASY2 đang thông qua đường số 2 ga Núi Thành, Quảng Nam thì va chạm với tàu 2469 khiến hai đầu máy và năm toa xe hàng bị trật bánh. Lúc 16 giờ 30 ngày 26-5, tàu hàng 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào đường số 3 ga Yên Xuân, Nghệ An thì toa số 3 và 4 bị trật bánh. Hồi 13 giờ ngày 27-5, tàu hàng SH3 chạy hướng Bắc-Nam khi tới xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An đã đâm vào xe bồn tại đường ngang dân sinh (có biển báo cấm ô tô) làm tài xế bị thương nhẹ, đường sắt qua khu vực này bị tê liệt trong 90 phút. |