Ý kiến trái chiều về đề xuất tự học lý thuyết sát hạch lái xe

Trên số báo ra ngày 28-8, Pháp Luật TP.HCM có bài viết Đề xuất tự chọn học lý thuyết thi sát hạch lái xe”, phản ảnh việc Bộ Công an đề xuất cho phép người học lái xe được lựa chọn hình thức tự học lý thuyết khi thi sát hạch lái xe. Trước đề xuất trên, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều góp ý về vấn đề này.

Ông VŨ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức:

Cần được đào tạo qua trường lớp bài bản

Việc đào tạo và cấp phép lái xe cho người điều khiển phương tiện vừa có kiến thức, kỹ năng và đạo đức tham gia giao thông an toàn là điều tiên quyết đối với việc đảm bảo an toàn giao thông. Người điều khiển phương tiện là yếu tố căn bản quyết định hoạt động an toàn khi tham gia giao thông. Vì vậy, để ngăn chặn các vụ tai nạn gây ra chết người thì công tác đào tạo, giáo dục người lái xe phải hướng đến người có kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng nhận diện các nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra. Đồng thời là người luôn luôn tôn trọng các quy định về an toàn, các nguyên tắc về phòng, chống va chạm giao thông, giữ gìn mạng sống cho những người đi đường khác.

Theo tôi, công tác đào tạo hiện nay không nằm ở kỹ năng về phương tiện mà nằm ở hai vấn đề sau: Thứ nhất, nhiều người lái xe ý thức còn kém, do đó người lái xe cần được đào tạo qua trường lớp bài bản, cần phải tham dự đủ số giờ học. Bên cạnh đó, việc giảng dạy phải được truyền đạt từ những người có kiến thức chuyên ngành và qua những chuyên gia có kinh nghiệm. Bất cập thứ hai là vấn đề các kỹ năng thực hành như đánh tay lái, gia tốc, cua xe, đỗ xe và các kỹ năng căn bản. Những kỹ năng căn bản này chỉ được nhận diện qua các buổi học, từ những người có kinh nghiệm truyền tải cho người học lái xe.

Theo tôi, tỉ lệ đậu khi thi sát hạch không quan trọng bằng đào tạo những con người cầm vô lăng an toàn, có đạo đức tham gia giao thông, có văn hóa, tư duy về an toàn.

Học viên được kiểm tra lý thuyết trên máy tính trước khi chuyển sang học thực hành lái xe tại một trung tâm ở TP.HCM. Ảnh: LƯU ĐỨC

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Quản chặt đầu ra nếu cho học viên tự học lý thuyết

Tôi cho rằng chương trình lý thuyết về kiến thức pháp luật giao thông đường bộ (GTĐB) không phải là kiến thức hàn lâm cao siêu mà chỉ mang tính phổ thông. Nên việc cho người học có thể chọn tự học lý thuyết là phù hợp với thực tiễn. Người học lái xe có trình độ, thành phần khác nhau. Trong số này, có người làm về lĩnh vực giao thông vận tải, giáo viên, bác sĩ, nông dân… Đối với người làm trong lĩnh vực giao thông, họ có thể đọc và hiểu hết các quy định về biển báo…, số còn lại có thể hiểu đến 80%-90%. Nếu chúng ta vẫn giữ quy định bắt học viên học đúng, đủ nội dung chương trình lý thuyết tại các trung tâm đào tạo thì không phù hợp với thực tiễn.

Tôi cho rằng cần xây dựng quy định chương trình học lý thuyết theo hướng học viên có quyền lựa chọn môn nào học tập trung, môn nào tự học để tiện cho việc thu xếp thời gian làm việc và học tập. Song song đó, cần có buổi học tập trung nhất định để giáo viên giải đáp những nội dung học viên chưa hiểu.

Về lo ngại người học sẽ học tủ, học vẹt, tôi cho rằng để quản lý được tình trạng này cần quản nghiêm khâu sát hạch, vì nó sẽ tác động ngược khâu đào tạo, bắt buộc học viên phải học nghiêm túc. Cụ thể ở đây là chúng ta phải nghiên cứu xây dựng được bộ đề, số câu hỏi ra làm sao cho phù hợp. Tóm lại, quan trọng nhất là quản lý đầu ra, tức khâu sát hạch phải đảm bảo sự khách quan, chặt chẽ…

Giám đốc một trung tâm dạy lái xe ở TP.HCM:

Nên để học viên tự chọn

Đề xuất này phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam cũng nên áp dụng. Ở nước ngoài, học viên được tự học, sau đó có thể thi để lấy bằng ở bất kỳ trung tâm sát hạch nào, thậm chí có thể thi nhiều lần. Khi đó học viên sẽ chủ động về thời gian học. Học viên muốn được tham dự kỳ thi sát hạch chỉ cần được xác nhận đủ điều kiện thi.

Về việc đào tạo đạo đức người lái xe, theo tôi, người đủ điều kiện học lái xe là người đủ 18 tuổi trở lên, họ đã được học 12 năm về nội dung này, hơn nữa gia đình và đơn vị công tác cũng tiếp tục đào tạo. Trường dạy lái xe chỉ là nơi nhắc nhở, không phải đào tạo từ đầu. Do vậy, không nên đưa các tiết dạy đạo đức cho người lái xe vào các trường dạy lái để tránh quy về trách nhiệm của nhà trường.

Chúng ta đang ở thời đại 4.0, học viên đều có thể theo học hình thức dạy online với môn học lý thuyết pháp luật gtđb. Khi đó, các trường chỉ cần hướng dẫn cho học viên cách nhận diện nguy hiểm nếu học viên cần, hay giải đáp những thắc mắc mà học viên không hiểu.

Ông BÙI DANH LIÊN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:

Đào tạo sát hạch lái xe nên để Bộ GTVT quy định

Mặc dù không phản đối đề xuất này, tuy nhiên theo tôi, việc đào tạo sát hạch lái xe nên để Bộ GTVT quy định và quản lý về mặt nhà nước như Luật gtđb hiện hành. Từ đó, Bộ GTVT sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định này. Việc hiện nay Bộ Công an cứ “lấn sân” sang Bộ GTVT nên các đề xuất dường như cứ xáo trộn, chồng chéo và không biết ai sẽ quy định để góp ý…

Lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật GTĐB

Tại khoản 2 Điều 48 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB của Bộ Công an đề xuất quy định về đào tạo lái xe như sau:

Người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật GTĐB; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, văn hóa ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kết thúc khóa học, người học lái xe được cơ sở đào tạo kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm